Có phải Vua Trụ sáng chế ra quản bút ?
Lịch sử văn minh Trung Quốc của Will Durant do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch (Trung tâm thông tin Đại học sư phạm/Thành phố Hồ Chí Minh, 1990) trang 32, có chép rằng Trụ vương là một ông vua đã chế tạo ra quản bút.
Dịch giả có ghi nơi cước chú như sau: “Bản tiếng Pháp: inventeur des batonnets (người chế tạo ra những gậy nhỏ). Tôi đoán là quản bút”. Vậy có đúng “bâtonnet” là quản bút và vua Trụ đã sáng chế ra quản bút như Nguyễn Hiến Lê đã đoán hay không?
Bâtonnet ở đây đồng nghĩa với baguette và có nghĩa là đũa (để gắp thức ăn). Đũa, tiếng Hán gọi là trợ, giáp hoặc khoái. Ở chữ trợ, Từ hải đã ghi như sau: “Sử ký, Thập nhị chư hầu niên biểu: Trụ vi tượng trợ nhi Cơ Tử hy” nghĩa là “Niên biểu mười hai chư hầu trong Sử ký chép: Trụ làm đũa ngà mà Cơ Tử nghẹn ngào” (Cơ Tử là thái sư nhà Thương, thấy Trụ vô đạo nên đã nhiều lần can gián mà không được).
Vậy nếu có xứng đáng được gọi là người sáng chế, thì Trụ chỉ chế ra đũa chứ không phải quản bút. Một ông vua hoang dâm và bạo ngược thì chế ra quản bút để làm gì!
Nhưng chúng tôi cho rằng Trụ cũng không phải là người đã chế ra đũa. Chẳng qua ông ta đã bắt thợ làm đũa ngà để tổ chức yến tiệc linh đình, khiến cho thái sư Cơ Tử phải nghẹn ngào, uất ức mà thôi. Vậy trước Trụ, người Trung Hoa cũng đã dùng đũa rồi.
Để biện bạch cho cách dịch của mình, Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Mới đầu người Trung Hoa dùng dao khắc chữ lên thẻ tre, tới đời Thương dùng những cái que có đầu nhọn chấm vào một thứ sơn viết lên thẻ tre – tức như quản bút, sau tới đời Tần mới dùng những cành trúc đầu cắm lông để nhúng vào sơn viết lên lụa”.
Lời biện luận này không có căn cứ vì ở đời nhà Thương chỉ mới có giáp cốt văn là chữ khắc trên yếm rùa, xương thú và kim văn là chữ minh văn trên đồ đồng, còn thẻ tre (trúc giản) thì đến đời Hán mới có.
Vả lại, nếu batonnet thật sự có nghĩa là quản bút thì dịch giả bản tiếng Pháp đã viết inventeur du batonnet, nghĩa là đã dùng bâtonnet ở số đơn (singulier) chứ không phải ở số nhiều (pluriel) như đã thấy. Điều này chứng tỏ rằng đây là đũa: vì đũa thì có đôi nên danh từ hữu quan mới được dùng ở số nhiều là bâtonnets. Thật ra ở trên chỉ là biện luận cho có lý có lẽ, chứ bâtonnet không bao giờ có nghĩa là “quản bút” cả.