Đống rác bếp là gì ?

Văn hóa cồn sò điệp ở Hà Tĩnh. | Nguyễn Du
Share

Có người nói rằng các nhà khảo cổ đã gọi những cồn ngao, cồn hến ở ven biển là “đống rác bếp”. Vậy “đống rác bếp” là gì, ở Việt Nam có “đống rác bếp” hay không ?

Văn hóa cồn sò điệp ở Hà Tĩnh. | Nguyễn Du

Về khái niệm này, Guy Rachet đã cho biết sơ lược như sau: “Vào năm 1869, Steenstrup và Worsae bắt đầu nghiên cứu những dải cồn dài dọc miền duyên hải Đan Mạch cấu tạo bằng những đống vỏ ốc và xương cốt, (những cồn này) không phải gì khác hơn là những đống rác hoặc những mẩu thừa từ thức ăn của cư dân thời đồ đá mới sơ kỳ; những cồn đó được gọi là kjökkenmödding (những mẩu vụn từ thức ăn bằng tiếng Đan Mạch) hoặc skaldinger (đống vỏ ốc).

Giữa những chất thải đó, đã lẫn lộn những dụng cụ bằng đá hoặc bằng xương (…)” (L’univers de l’archéologie, táp I, Paris, 1970, p. 258 ). Sách báo tiếng Việt gọi đó là đống rác bếp, đống vỏ sò hoặc cồn sò điệp, còn tiếng Anh thì sao phỏng thành kitchen midden.

Ở Việt Nam, có di chỉ Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, được các tác giả Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn và Diệp Đình Hoa giới thiệu như sau: “Đây là một đồi vỏ sò điệp lớn nằm ven đường quốc lộ số 1, cách thành phố Vinh 57 ki-lô-mét về phía Bắc. Trước đây Bùi-dương-Lịch đã mô tả đối vỏ điệp này trong sách Nghệ-an ký và coi đây là dấu tích của biển xưa.

Mãi đến năm 1963, người ta mới phát hiện ra rằng đối sò điệp Quỳnh-văn là một di tích khảo cổ học và vỏ sò điệp chất lại thành quả đồi lớn này không phải là do thiên nhiên mà do bàn tay của người nguyên thuỷ (…) Người nguyên thuỷ đã lấy các loài nhuyễn thể về ăn và vứt vỏ lại ngay nơi cư trú của họ. Lâu ngày vỏ nhuyễn thể tích lại thành đổi lớn”(Cơ sở khảo cổ học, Hà Nội, 1978, tr. 202 – 203 ).

Nhưng tác giả Nguyễn Trung Chiến, bằng khảo sát địa tầng thận trọng, đã hoài nghi kết luận trên đây. Tác giả này viết: “Không thể quan niệm đơn thuần rằng chỉ có một nguyên nhân duy nhất nào đó thuộc về tự nhiên hay con người tạo thành cồn điệp (của người cổ Quỳnh Văn – AC)”( Địa tầng Cón Đất và vấn đề nguồn gốc các di tích cồn sò điệp thuộc văn hoá Quỳnh Văn vùng ven biển Nghệ Tĩnh, Khảo cổ học, số 3, 1984, tr. 23 ), Và: “(…) đối với điệp, người Cồn Đất cũng như những người Quỳnh Văn xưa có sử dụng làm thức ăn, nhưng họ chỉ ăn một số lượng rất ít trong khối lượng điệp đồ sộ mà chúng ta gặp (…)

Nói như vậy có nghĩa là chúng tôi khẳng định nguồn gốc tự nhiên của Cồn Đất cũng như những cồn sò điệp khác ở vùng vịnh Quỳnh Lưu”. Tác giả Nguyễn Trung Chiến kết luận “Tóm lại, các tác động của tự nhiên cùng với phương thức kinh tế thu lượm theo mùa của người nguyên thuỷ Quỳnh Văn, theo chúng tôi, mới là những điều kiện cần và đủ cho sự hình thành các cồn sò điệp vùng Quỳnh Lưu”.

Chúng tôi tán thành cách nhìn nhận vấn đề thận trọng và hợp lý của tác giả Nguyễn Trung Chiến và xin trích dẫn hai ý kiến khác nhau trên đây để bạn đọc tiện so sánh.

  • Tháng Năm 21, 2023