“Cổ xúy” hay “cổ súy”?
Có thể khẳng định ngay: từ chính xác phải là “cổ xúy”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên có giảng: “Cổ xúy: Hô hào và động viên. (Ví dụ: ) Văn chương cổ xúy lòng yêu nước”. Để hiểu rõ từ này, trước phải biết Hán tự của nó.
“Cổ” ở đây không phải là “cổ xưa”, càng không phải là “cổ tay”, “cổ chân”, mà chữ này có Hán tự là 鼓, nghĩa là cái trống, cũng chỉ hành động gióng trống. “Cổ động” (鼓動) có nghĩa thuần là làm động cái trống, khua giục, thúc đẩy. “Cổ vũ” (鼓舞) là vừa gióng trống vừa ca múa, nghĩa bóng là thể hiện sự hoan nghênh, khuyến khích một việc gì đó.
Còn “xúy” thì có Hán tự là 吹, nghĩa là “thổi” trong gió thổi, cũng là “thổi” trong “thổi kèn”, “thổi sáo”. Chữ 吹 còn có một cách đọc khác là “xuy”. Rất có thể “xúy” và “xuy” là từ gốc tương ứng của “xúi” và “xui”, đều có nghĩa là dụ dỗ hay thúc giục ai đó làm việc gì (xúi quẩy, xui khiến). Việc biến âm từ “uy” thành “ui” vẫn thường xuất hiện, như “an ủi” vốn có gốc là “an ủy” (安慰) trong đó “an” (安)lấy từ “bình an” còn “uỷ”(慰) là “làm cho yên lòng”.
Chính vì nghĩa như trên mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng “cổ xúy” là “Đánh trống thổi sáo”. Từ điển Hán Nôm bổ sung thêm rằng “cổ xúy” còn được dùng để chỉ dàn nhạc hợp tấu, thường phục vụ trong cung đình xưa, thậm chí còn có thể chỉ âm nhạc. Sau này, từ hình tượng gióng trống thổi sáo, người ta đã chuyển nghĩa của “cổ xúy” sang hô hào, động viên như từ điển của Hoàng Phê đề cập. Ngày nay, có vẻ như cách dùng của từ này đang thay đổi dần, thường hiểu theo nghĩa tiêu cực nhiều hơn (Cổ xúy ai đó làm việc ác).
Tóm lại, “cổ xúy” mới là từ chính xác. “Cổ súy” chỉ là cách nói biến tấu đi do sự nhầm lẫn s/x mà ra.