Tại sao lại dùng mấy tiếng Lang bạt kỳ hồ để chỉ việc rày đây mai đó ?
Theo tôi được biết thì câu “Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong Kinh Thi. Nó không có nghĩa là sống lang thang rày đây mai đó. Tại sao người Việt Nam lại dùng nó theo nghĩa này?
Đúng như ông nói, lang bạt kỳ hồ là một câu trong Kinh Thi của Trung Hoa. Lang là chó sói, bạt là giẫm đạp, kỳ là một đại từ thay thế cho danh từ lang còn hồ là cái yếm da dưới cổ của một số loại thú.
Vậy lang bạt kỳ hồ là con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được). Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng và chú như sau: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đây đó (không rõ tại sao)”.
Điều mà quyển từ điển trên ghi “không rõ tại sao” chính là điều mà ông hỏi. Chung quy cũng là do từ nguyên dân gian mà ra. Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: lang với lang thang, bạt với phiêu bạt, hồ với giang hồ, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang này đây mai đó” như ông đã nêu.
Chẳng những thế, người ta còn lược bỏ hai tiếng kỳ hồ mà nói gọn thành lang bạt để diễn đạt cái nghĩa trên đây. Quả vậy, Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi nhận: “lang bạt: sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ”.Nhiều quyển từ điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng lang bạt đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt.
Từ nguyên dân gian đã tạo ra lắm trường hợp oái oăm. Xin nêu thêm một thí dụ quen thuộc. Có nhiều người, kể cả nhà văn, nhà báo và nhà giáo, đã dùng yếu điểm thay cho nhược điểm. Họ nghĩ rằng yếu ở đây chính là yếu trong mạnh được yếu thua, yếu thế, ốm yếu, v.v. mà không hề ngờ rằng đó lại là yếu trong quan yếu, chủ yếu, yếu lĩnh, yếu nhân, v.v..
Thực ra, yếu điểm là điểm quan trọng, còn nhược điểm thì mới là chỗ yếu. Nếu hiểu theo lối từ nguyên dân gian trên đây thì yếu nhân sẽ là người yếu. Nhưng thật ra đó là nhân vật quan trọng, thậm chí còn là VIP nữa ấy chứ!