Nam Cực Lão Nhân là ai?

Share

Thỉnh thoảng tôi được thấy trong tranh vẽ của Trung Quốc hình một ông già có chòm râu bạc phơ dài đến rún, lại có một cái trán sói vĩ đại nổi lên trên đầu như hình dáng một quả trứng to quá khổ. Thí dụ, trên bìa 1 của Mỹ thuật thời nay số 28 (Xuân Quý Dậu) có in một bức tranh như thế và chú thích ở trang 3 là tranh “Thần Phúc Lộc”. Có phải đó tức là Thái Thượng Lão Quân không? Và cái trán quả trứng to quá khổ của ông ấy có ý nghĩa gì?

Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu dành cho Lão Tử, người được phái Đạo giáo xem là tổng sự. Còn ông mà bạn thấy trong tranh Trung Hoa và trên bìa 1 của tạp chí Mỹ thuật thời nay số 28 không phải là Lão Tử mà cũng không phải là “Thần Phúc Lộc”. Đó là Nam Cực Lão Nhân như đã được khẳng định bằng chính mấy chữ Hán trong tranh in nơi bìa 1 của tờ tạp chí đó: Nam Cực Lão Nhân ứng thọ đồ, nghĩa là “tranh Ông Già Nam Cực đi ban thọ”. Ông ta chính là Ông Thọ. Và Ông Thọ chính là hoá thân của Nam Cực Lão Nhân tinh.

Nam Cực Lão Nhân tinh, tức sao Ông Già Nam Cực, hiện nay chỉ gọi tắt là Lão Nhân tinh, tức sao Ông Già. Sao Ông Già là sao Canopus trong chòm sao Argo, sáng hàng thứ hai sau sao Thiên Lang, tức sao Sirius, trên bầu trời Nam bán cầu. Tuy sáng thua sao Thiên Lang nhưng vì sao Ông Già là ngôi sao sáng nhất ở phía cực Nam của bầu trời nhìn từ mặt đất a cực Nam của Dầu (Thiên Lang: 16°36′N, còn Ông Già 52°40′N) nên người Trung Hoa ngày xưa đã gọi nó là Nam Cực tinh, tức sao Nam Cực. Ở địa bàn nguyên thuỷ của người Trung Hoa thời cổ đại là lưu vực sông Hoàng Hà (thuộc Bắc bán cầu) thì rất khó mà nhìn thấy được nó. Phải sống rất lâu mới được nhìn thấy nó nhiều lần trong đời. Vì vậy nên người Trung Hoa mới lấy sao Nam Cực làm tượng trưng cho tuổi thọ mà gọi nó là Thọ tinh tức sao Thọ. Tượng trưng hoá như thế xem ra vẫn chưa thoả lòng, người ta lại tiếp tục nhân cách hoá nó thành Nam Cực Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già Nam Cực. Sau đó, còn bỏ cả hai tiếng Nam Cực vốn là tên nguyên thuỷ mà chỉ giữ lại có hai tiếng Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già. Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) đã giảng hai tiếng Thọ tinh (shòu xing) như sau: “Chỉ sao Ông Già. Từ xưa đến nay dùng làm tượng trưng cho sự trường thọ, gọi là Thọ tinh. Nhân gian thường vẽ thành hình dáng một ông già, đầu dài mà nổi u lên. Cũng gọi là Ông Già sao Thọ”. Nơi tranh bìa đã nói, đi trước Nam Cực Lão Nhân, tức Ông Thọ, là ba chú tiên đồng khiêng một trái đào thọ to bằng thân hình của ba chú gộp lại và ở hậu cảnh, cũng tượng trưng cho tuổi thọ, còn có hình của ba con hạc.

Cái đầu nổi u lên của ông ta có ý nghĩa Đạo giáo sâu sắc. Đạo này cho rằng hành động tính dục có ba mục đích là sự truyền giống, sự thoả mãn tính dục và sự ngăn chặn quá trình suy lão. Mục đích cuối cùng này lại chỉ là “độc quyền” – vì là bí truyền – của một số đạo sư mà thôi. Những người này cho rằng tất cả mọi lần xuất tinh đều rút ngắn đời người. Vì vậy nên phải cho tinh dịch quay trở về mà bồi bổ cho não để đạt đến trường sinh. Cho nên, trong việc giao hợp, khi phóng tinh thì không được để cho tinh xuất ra ngoài mà phải rút nó từ ngọc hành trở vào để đưa nó lên đến tận não. Chính do diệu pháp này mà các vị siêu đẳng thọ mới có cái đầu nổi u lên như đã nói và đã thấy. Điển hình nhất chính là cái đầu của Ông Thọ. Xin chớ cho đây là chuyện tếu. Ghi nhận quan niệm trên đây, hai đồng tác giả, một người Pháp và một người Trung Quốc là Pierre Huard và Ming Wong đã viết về cái đầu của ông ta và về diệu pháp đó như sau: “Đích thị là vì ông ta có thể đưa lên đến tận óc của ông ta những chất tinh tuỷ gây thụ thai của cơ thể mình và tích luỹ chúng tại đó bằng những phép thực hành tính dục rất đặc biệt nên ông ta đã đạt được sức khoẻ và trường thọ” (1).

1. La médecine chinoise, Paris, 1959, p. 19.

  • Tháng Mười Hai 10, 2022