Cách xưng hô thời xưa

Vì sao người xưa đã có “danh” còn phải đặt thêm “tự” và “hiệu”?
Share

Vừa rồi tôi có xem phim “Huyền sử Thiên đô”, nói về Lý Công Uẩn dựng triều Lý. Tôi thấy ở trong phim, người ta xưng hô với nhau ông – tôi; anh trai gọi em gái bằng em; trai gái gọi nhau cũng bằng anh em… Theo thiển nghĩ của tôi, thời đó chúng ta hoàn toàn dùng chữ Hán, vì vậy cách xưng hô cũng phải theo từ Hán Việt, anh em gọi nhau xưng huynh, gọi muội; hoặc xưng là ta (không gọi là tôi…). Xin ví dụ nhỏ như vậy. Vậy các bậc tiền nhân ngày xưa xưng hô và gọi nhau như thế nào? Cũng biết, chúng ta không thể “ghi âm” lời của các cụ, cho nên rất khó có thể xác định được chính xác. Hy vọng rằng, với tri thức uyên thâm của mình, học giả có thể tìm hiểu giúp chúng tôi được không? 

Vì sao người xưa đã có “danh” còn phải đặt thêm “tự” và “hiệu”?

Xin thú thật với bạn là chúng tôi chưa có điều kiện thu thập đủ tư liệu để thuật lại một cách đầy đủ về cách xưng hô của ông cha ta ngày xưa. Vậy xin chỉ trao đổi với bạn trong phạm vi những điều kiện hiện có mà thôi.

Bạn cho rằng, “thời đó (đầu đời Lý) chúng ta hoàn toàn dùng chữ Hán”. Thực ra thì không phải như thế vì, nói chung, trong suốt thời kỳ phong kiến tự chủ, ta chỉ sử dụng chữ Hán làm quốc gia văn tự, nói rõ ra là chỉ dùng nó trên văn kiện và trong sách vở mà thôi. Dân ta vẫn nói tiếng Việt với nhau; mà vua quan trong triều đình cũng thế. Nhưng do ảnh hưởng của nhiều thế kỷ bị người Tàu cai trị nên từ vựng của tiếng Việt đã chứa đựng nhiều yếu tố gốc Hán, trong đó có gần như hầu hết những từ chỉ quan hệ thân tộc, như chúng tôi đã chứng minh trong bài “Từ nguyên của những từ chỉ quan hệ thân tộc”, trên Năng lượng Mới số 70 (11/11/2011). Những từ này đã có mặt từ lâu trong từ vựng của tiếng Việt, như có thể thấy trong “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” (khoảng thế kỷ XVII). Trong tác phẩm này, “Nhân luân bộ đệ tam” là chương thứ ba, đã dùng nhiều từ quen thuộc mà chúng tôi đã nêu để giảng (đối dịch) các danh từ chỉ quan hệ thân tộc và xã hội bằng tiếng Hán (Xin x. bản phiên âm và chú giải của Trần Xuân Ngọc Lan, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,1985, tr.90-98).

Trong tiếng Việt, nhiều từ chỉ quan hệ thân tộc hoặc xã hội và cả một số danh từ chỉ người, lại được dùng làm từ xưng hô, mà một số tác giả gọi là đại từ nhân xưng, như: ông, bà, bố, mẹ, cô, cậu, dì, thím, v.v… Chúng tôi cho rằng, trong sinh hoạt hằng ngày, dân ta cũng xưng hô với nhau bằng những từ thông thường trên đây. Nhưng trước tiên, xin lưu ý bạn và bạn đọc rằng, ta cần phân biệt từ chỉ quan hệ thân tộc và từ dùng để xưng hô. Đây là hai khái niệm riêng biệt, mặc dù từ xưng hô vốn là từ chỉ quan hệ thân tộc. Vì không phân biệt được hai khái niệm này nên có người đưa hàng loạt từ, ngữ chỉ quan hệ thân tộc ra mà gọi đó là “cách xưng hô thời xưa”, như DevilChild trên trang tukhuc.wordpress.com ngày 11/12/2012:

“(…) Ông nội/ngoại = gia gia; ông nội = nội tổ; bà nội = nội tổ mẫu; ông ngoại = ngoại tổ; bà ngoại = ngoại tổ mẫu; cha = phụ thân; mẹ = mẫu thân; anh trai kết nghĩa = nghĩa huynh; em trai kết nghĩa = nghĩa đệ; chị gái kết nghĩa = nghĩa tỷ; em gái kết nghĩa = nghĩa muội; cha nuôi = nghĩa phụ; mẹ nuôi = nghĩa mẫu; anh họ = biểu ca; chị họ = biểu tỷ; em trai họ = biểu đệ (…)”.

Những từ, ngữ trên đây thực chất là một bảng từ vựng chỉ quan hệ thân tộc bằng tiếng Hán chứ thực ra thì, nói chung, những “nghĩa huynh”, “biểu ca”, “nghĩa tỷ”, “biểu tỷ”, v.v… do DevilChild đưa ra cũng chỉ là những yếu tố dùng trong văn bản bằng Hán văn Việt Nam chứ chẳng phải là những từ, ngữ quen thuộc dùng trong tiếng Việt hằng ngày của dân chúng. Dân chúng thì xưng hô với nhau giản dị và tự nhiên, chẳng hạn giữa vợ chồng, thì chồng có thể gọi vợ là “mình”, “bà nó”, “mẹ nó”, “bu nó”, “bủ nó”, “bầm nó”, “má nó”, “mạ nó”, “mợ nó”. Vợ có thể gọi chồng là “mình”, “ông nó”, “bố nó”, “ba nó”, “cha nó”, “cậu nó”. Còn giữa trai, gái thì “anh” và “em”:

“Hôm qua tát nước đầu đình,

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà…”.

– “Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc;

Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay…”.

– “Em như cục cứt trôi sông

Anh như con chó ngồi trông trên bờ”.

Đấy, “anh” và “em”; thế thôi. Khách sáo và dè dặt hơn một tí thì “mình” với “ta”:

– “Mình nói dối ta mình hãy còn son,

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.

Con mình những trấu cùng tro,

Ta đi xách nước tắm cho con mình”.

– “Mình về mình có nhớ ta.

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”.

Trang trọng và thơ mộng hơn thì “chàng” và “nàng”, “thiếp”:

– “Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

– “Một mai thiếp có xa chàng

Đôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin”.

Ngay cả văn nhân, thi sĩ cũng xưng hô đúng với tinh thần của tiếng Việt, chẳng hạn Dương Khuê trong bài hát nói “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”. Ở hai câu Hán văn trong phần “Nói” thì cụ già Dương dùng từ “quân” để chỉ người con gái và tự xưng là “ngã”:

– “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,

Quân kim hứa giá ngã thành ông”.

Nhưng ở phần “Mưỡu” “toàn Việt” thì Dương Khuê tự xưng là “ông” và gọi thẳng tên của cô đầu là “Tuyết”:

“Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông

Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì

Bây giờ Tuyết đã đến thì

Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già”.

Bằng hữu với nhau cũng xưng hô kiểu Việt Nam thuần túy trong văn thơ. Khi Dương Khuê qua đời, Nguyễn Khuyến khóc:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”.

Nhưng điển hình thì có lẽ phải là từ xưng hô và từ chỉ quan hệ thân tộc trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tại đây “cha” được dùng 12 lần, “mẹ” 6 lần, “chị” 13 lần, “em” 14 lần, “cậu” 1 lần, “ông” 15 lần, “bà” 8 lần, danh ngữ đẳng lập “ông bà” 4 lần, danh ngữ “mẹ cha” 2 lần, danh ngữ “chị em” 3 lần, v.v… Cách dùng từ “phi Hán ngữ tính” này đã không mảy may làm giảm giá trị của “Truyện Kiều”. Ngược lại, hiện tượng này cho thấy sức sống mãnh liệt của tiếng Việt bên cạnh một ngôn ngữ “đại gia” là tiếng Hán, mặc dù bản thân nó vẫn thu nhận nhiều từ, ngữ của thứ tiếng này.

Ngay cả khi chuyển cách xưng hô của người Tàu, giữa anh em với nhau, sang tiếng Việt, một số dịch giả cũng giữ đúng tinh thần của tiếng mẹ đẻ mà dùng “em”, “tôi”, v.v…, chứ không dùng “huynh”, “đệ”. Chắc là nhiều bạn đã biết đến “Tam quốc diễn nghĩa”, trong đó có ba anh em kết nghĩa là Lưu Huyền Đức, Quan Công và Trương Phi. Xin đọc mấy câu đối đáp sau đây giữa họ với nhau, khi Trương Phi nổi nóng muốn giết Đổng Trác:

“Huyền Đức, Quan Công vội ngăn mà rằng:

– Không nên, hắn là quan của triều đình, em chớ nên tự tiện giết hắn!

Phi nói:

– Nếu không giết nó, mà lại ở đây làm đầy tớ cho nó sai khiến thì tôi không thể chịu được”.

Huyền Đức và Quan Công gọi Trương Phi là “em” còn Trương Phi thì tự xưng là “tôi”. Mấy câu trên đây nằm trong bản dịch của Phan Kế Bính do Bùi Kỷ hiệu đính, rồi lại do Lê Huy Tiêu và Lê Đức Niệm sửa chữa (tập 1, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988, tr.47).

Cứ như đã biện luận ở trên thì ta có thể khẳng định rằng, về nguyên tắc, việc xưng hô với nhau bằng “ông – tôi”, “anh – em”, v.v…, trong phim “Huyền sử Thiên đô” cũng không phải là chuyện không thể chấp nhận được.

  • Tháng Hai 25, 2023