Ngũ phúc lâm môn là những phúc nào?
Ngày tết người ta thường nói “ngũ phúc lâm môn”. Câu này nghĩa là gì và ngũ phúc là những phúc nào Hình như có hai cách hiểu khác nhau? Vậy cách nào đúng hơn
Ngũ phúc lâm môn là năm phúc đến cửa, nghĩa là đến nhà. Trong tranh vẽ, người Trung Hoa thường tượng trưng ngũ phúc bằng hình năm con dơi. Người Việt Nam thì cho rằng ngũ phúc là: phú (giàu), quí (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khoẻ), ninh (bình an).
Quan niệm này đã được ghi nhận trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên và Từ điển tiếng Việt 1992. Nhưng chính người Trung Hoa thì lại dựa vào thiên “Hồng phạm” trong Kinh thư mà quan niệm rằng ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu), khang ninh (mạnh khoẻ bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài), khảo chung mệnh (chết vì già, chứ không chết vì tai nạn hoặc chết non).
Trong thiên “Hồng phạm”, ngũ phúc đối với lục cực (sáu điều dữ, tức không lành): hung đoản chiết (chết nạn hoặc chết non), tật (bệnh tật), ưu (có chuyện phải lo), bần (nghèo), ác (làm điều ác), nịch (đam mê – vì ghi bằng chữ 弱 nên phần nhiều người ta phiên là nhược và giảng là yếu đuối hoặc nhu nhược. Thật ra, ở đây phải đọc thành nịch là say mê, chìm đắm). Đối chiếu kỹ thì sẽ thấy du hảo đức đối với ác còn khảo chung mệnh thì đối với hung đoản chiết.
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur và Mathews’ Chinese-English Dictionary đã giảng ngũ phúc đúng với quan niệm của người Trung Hoa, giống như đã được giảng trong Từ nguyên và Từ hải là hai bộ từ điển có uy tín.
Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì ghi nhận cả hai cách hiểu nhưng lại không nói rõ cách nào là của ai.
Vì xuất xứ của câu ngũ phúc lâm môn là ở Trung Hoa cho nên cách hiểu của người Trung Hoa mới là cách hiểu đúng đắn nguyên thuỷ. Còn lối hiểu của người Việt Nam chỉ là ta làm theo cách của ta mà thôi.