Tục ăn trầu của người Việt

Image result for Tục ăn trầu
Share

Tục ăn trầu, mời trầu của người Việt từ xa xưa đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, tồn tại xuyên suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Ngày nay, tục ăn trầu và mời trầu đang dần mai một nhưng nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ truyền thống. Nhắc đến miếng trầu, quả cau người ta dễ hình dung về cuộc sống đời thường, giản dị nơi thôn quê. Từ bao đời nay, người dân quê vốn sống gần gũi, thân tình.

Image result for Tục ăn trầu

Dù quen, dù lạ hễ gặp nhau là cứ đem “miếng trầu mở đầu câu chuyện”. Thông thường miếng trầu bao gồm lá trầu xanh têm sẵn, trong quệt chút vôi trắng, kèm theo một miếng cau vàng. Tùy theo sở thích, người ta có thể kết hợp trầu cau với vỏ chay, vỏ quế và thuốc lào.

Quả thực sự kết hợp hoàn hảo này đem đến cho người ăn một cảm giác rất đặc biệt. Vị ngọt của cau; vị cay, thơm của tinh dầu từ lá trầu; chát của hạt và vỏ… Tất cả cùng hòa quyện làm cho miếng trầu tươi sắc đỏ, giúp cơ thể con người ấm dần lên, đôi môi thêm thắm, đôi má thêm hồng.

Image result for Tục ăn trầu

Câu chuyện tâm tình cũng vì thế mà thêm cởi mở. Tuy nhiên không phải miếng trầu nào cũng là tấm chân tình của người mời. Vì: “Yêu nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Miếng trầu và cách mời trầu là phương tiện biểu lộ các cung bậc tình cảm giữa người với người một cách tinh tế.

Trầu cau còn là lễ vật không thể thiếu được trong các lễ nghi như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp, ma chay… Đặc biệt trong cưới hỏi, trầu cau luôn chiếm một vị thế rất quan trọng. Để làm lễ vật cầu hôn, nhà trai chọn lấy buồng cau to đẹp nhất, lá trầu xanh tươi nhất (có nơi “Lễ hỏi” được gọi là “Lễ bỏ trầu”). Nhà gái nếu nhận trầu cũng có nghĩa là nhận lời cầu hôn.

Miếng trầu là lời giao ước giữa hai họ, tượng trưng cho tình yêu son sắt, tình nghĩa vợ chồng gắn bó, thủy chung. Bởi thế mới có câu: “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Trong các đám cưới ngày xưa ở quê tôi, nhà nào cũng chuẩn bị rất nhiều cau trầu. Và khi ấy các cụ bà là những người đảm nhận công việc têm trầu. Ban têm trầu thường có từ 5 – 7 cụ, họ cứ miệt mài ngồi têm hết miếng trầu này sang miếng trầu khác bày lên đĩa.

Image result for Tục ăn trầu

Người tham dự đám cưới là các cụ cao niên thì miệng ai cũng bỏm bẻm nhai trầu, còn những người trẻ không ăn được trầu thì cũng nhận lấy ít nhất một miếng có đủ cau, đủ trầu mang về biếu ông, bà như một món quà quý.

Vậy nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tục ăn trầu và mời trầu đang dần bị mai một. Phần vì những người già ngày một ít dần, trong khi lớp trẻ thì chẳng mấy ai đụng đến trầu. Rất nhiều gia đình gặp khó khăn để tìm cho được người biếu cau trầu, sau khi cử hành xong các nghi lễ.

Thế nên chỉ sau mấy ngày cau trầu đã héo khô đành phải đem bỏ. Ngay như trong các đám cưới bây giờ trầu cau cũng trở thành một thứ vật chất mang tính “nghi thức” mà thôi. Người ta không còn thấy lạ với cảnh hôn lễ đã tổ chức xong xuôi mà những đĩa trầu không vơi, thậm chí có những đĩa trầu gia chủ bê ra thế nào thì lại bê vào thế ấy.

Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa ăn trầu đang dần phôi pha. Dù vậy trong tâm thức của người Việt, vẻ đẹp của cau trầu vẫn còn nguyên giá trị. Trầu cau vẫn là vật thiêng, là yếu tố cấu thành nên một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, giàu triết lý nhân sinh, hướng con người tới vẻ đẹp của chân, thiện, mỹ.

  • Tháng Ba 19, 2020