Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?

Share

Chữ chiều ở đây chính là chữ mà Huỳnh Tịnh Paulus Của viết chìu và giảng là “chỗ uất khúc, vạy vò” (1). Đây chính là cái nghĩa gốc đã cho ra nghĩa thông dụng hiện đại của chiều trong chiều hướng, đường một chiều, v.v.. Ruột đau chín chiều là dịch ý của mấy tiếng Hán cửu hồi trường nghĩa là “chín (lần) quặn ruột”. Giản Văn Đế nhà Lương có viết: “Bi dao dạ hề, cửu hồi trường” (Đêm buồn dài dặc hề, chín lần ruột quặn).

Tư Mã Thiên cũng viết: “Trường nhất nhật nhi cửu hồi” (Một ngày mà ruột quặn chín lần). Cái nét nghĩa “uất khúc, vạy vờ” của từ chìu, mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi, rất ăn khớp với cái nghĩa của tiếng hồi là “quanh”, là “quặn”. Vậy chín chiều là “bản dịch” rất sát của cửu hồi (cửu = chín, hồi = chiều, nghĩa là quặn) nhưng do cấu trúc của nó về mặt thuần tuý hình thức rất giống với cấu trúc của “(đường) một chiều” hoặc “(một sớm) một chiều” nên mới dẫn đến hai cách hiểu nhầm đã được ghi nhận trong câu hỏi.

Cuối cùng, cũng phải nhắc lại rằng nếu theo đúng chính tả hiện nay thì chữ chìu của Huình-Tịnh Paulus Của phải được viết là chiều (Những chữ chiều trong chiều theo, chiều lòng, trăm chiều, v.v. đều được ông nhất loạt viết thành chìu).

1. Đại Nam quốc âm tự vị, tập I, Sài Gòn, 1895, tr. 145.

  • Tháng Năm 4, 2023