Vì sao có câu: Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng?
Chuyện kể rằng: ngày xưa có một người học trò nghèo nhưng học rất giỏi tên Trương Tam. Bởi là người có căn cơ nên từ khi sinh ra, anh chàng đã được các Tiên nhân trên Thiên giới rất chú ý. Trong sổ ghi chép của các Tiên nhân lúc bấy giờ Trương Tam đã được đặt định sẵn rằng tương lai anh ta sẽ đậu thủ khoa tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư.
Mỗi lần Trương Tam đi học, chàng thường ghé ngang một ngôi đền thờ để nghỉ chân, vị Thần trấn giữ ngôi đền làng ấy vì nhìn thấy trước được uy đức và tiền đồ của Trương Tam nên thường tỏ ra cung kính đối với cậu học trò nghèo này.
Một hôm ông từ giữ đền bỗng dưng nằm mơ thấy Thần đền hiện lên báo mộng rằng:
– Ngày mai ngươi phải quét dọn đền cho thật sạch vì sẽ có một viên quan lớn quá bộ ghé thăm nhà ta.
Sáng đó, ông từ y lời thần dặn dậy từ mờ sớm quét tước tinh tươm, lại đứng túc trực ngay ở cổng đền để chờ đón vị khách quý. Nhưng đợi mãi tới tận chiều mà chẳng thấy có quan lớn nào đi qua cả, chỉ có một anh học trò nghèo xơ nghèo xác vô tình có ghé vào trước mái hiên đền nghỉ chân một lát. Ông từ cũng cho sự tình ấy là thường lắm.
Ít lâu sau, người trông đền lại chiêm bao thấy Thần đền hiện lên dặn dò như trước. Lần này ông ta cũng chẳng thấy có viên quan nào, ngoài anh học trò khố rách áo ôm hôm nọ dừng chân ghé lại, ngâm một bài phú rồi lại đi. Ông từ xem chừng đã không còn tin vào giấc mộng trước đó nữa. Nhưng những lần chiêm bao tiếp sau sự tình vẫn diễn ra y như thế. Bấy giờ người trông đền mới ngộ ra lời báo mộng của Thần đền. Ông từ bèn kể về câu chuyện của mình cho người học trò nọ nghe và bảo:
– Đã bao lần chiêm bao như thế, già này chắc rằng cậu đây về sau sẽ đỗ đạt và làm quan đến chức rất to chứ chẳng phải chuyện đùa đâu!
Nghe ông từ nói vậy, Trương Tam mừng vui như mở cờ trong bụng. Anh ta cảm thấy như mình đang nắm chắc hết thảy vinh hoa phú quý trong tay. Kể từ dạo ấy, Trương Tam thường xuyên suy nghĩ vẩn vơ về tương lai của mình.
Một hôm đang trong lúc ngắm lại dung nhan của vợ, Trương Tam thấy cô ta chẳng hề xinh đẹp chút nào, nét xuân xanh nay đã phai tàn, đôi gò má cũng lấm tấm những nốt tàn nhang, bàn tay búp măng thuở nào giờ đây đã thô ráp và chai sạn.
Thế rồi đêm hôm ấy dưới bóng trăng, Trương Tam nằm mơ tưởng về những người đẹp. Anh ta nghĩ thầm:
– Rồi ta sẽ trả vợ ta về cho bên ngoại thôi! Một khi đỗ đạt thì thiếu gì nơi ngấp nghé muốn ta nhận làm thê làm thiếp. Lúc đó Trương Tam này sẽ tìm những thiếu nữ con nhà khuê các: đã mơn mởn xuân thì lại nhu mì xinh đẹp…
Nghĩ sao làm vậy, mới sáng ngày hôm sau Trương Tam đã kiếm cớ gây sự với vợ và đòi từ hôn cho kỳ được. Gia đình hai bên và hàng xóm láng giềng đều lấy làm bất ngờ, thất vọng. Chẳng ai ngờ một người hay chữ thánh hiền như Trương Tam, lại có cô vợ rất mực nết na hiền thảo, vậy mà anh ta lại có thể quên nghĩa tào khang nhanh đến vậy. Đối mặt với đủ lời khuyên can vun vén của gia đình chòm xóm, Trương Tam chỉ cười khẩy. Anh đã quyết đoạn tình vợ nghĩa chồng.
Ít hôm sau, có người đến tìm Trương Tam đòi nợ. Vừa mới bước chân vào sân, người nọ đã bị anh ta chỉ tay thẳng mặt mắng cho té tát:
– Ta chưa có trả. Không khéo nay mai ta sẽ lấy đất hương hỏa của nhà ngươi mà xây chuồng lợn của nhà ta đó! Biết chưa?
Trương Tam còn hống hách đe dọa rất nhiều người nữa. Gặp ai không vừa ý, anh ta lớn tiếng nói:
– Rồi sẽ có ngày ông cho chúng mày biết tay!
Nào có ngờ đâu, bao lời nói việc làm của người học trò nghèo ấy thì các Thần Phật, Tiên nhân trên Thiên giới kia đều nhìn thấu cả. Bởi thế chẳng bao lâu sau, ông từ giữ đền lại nằm mơ thấy Thần đền hiện về báo mộng cho biết rằng:
– Từ nay ông không còn phải kính sợ đối với kẻ học trò nghèo tên Trương Tam ấy nữa. Vì trên Thiên giới đã giáng hạ uy đức của người này rồi, tương lai y sẽ không đỗ đạt, cũng chẳng còn cái phúc phận được làm quan lớn mà hưởng vinh hoa phú quý nữa.
Ông từ cung kính chắp tay hỏi:
– Dám hỏi Thần linh người này đã mắc tội ra sao?
Vị Thần đền đáp:
– Trương Tam ấy hắn đã phạm ba điều như sau: Dưới trăng bỏ vợ mình; Trước sân đòi nhà người; Chưa làm nên việc đã suy tính những điều thất đức.
Quả nhiên sau này Trương Tam thi mãi mà vẫn không đỗ đạt, anh ta muốn nối lại duyên xưa với người vợ hiền thục cũng không thành, gia phong thân thế ngày càng lụn bại.
Xuất phát từ câu chuyện của Trương Tam mà từ đó trong dân gian mới truyền tụng nên câu thành ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.
Đường Tân
– Tài liệu tham chiếu: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam/Nguyễn Đổng Chi.