Tại sao lại gọi là “đồng bóng”? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?
Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr. 136). Đây chỉ là một lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan vì đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương.
Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thuỷ nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thuỷ sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991). Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ đã sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngôi đồng chiếu kính mà Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quốc âm tự vị.
Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiêng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng. Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người Lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.
Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu ở trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồng, lên đồng, đồng cô bóng cậu, v.v. là nghĩa phái sinh.