Gương vỡ lại lành – Phá kính trùng viên là gì
Thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, vị vua cuối cùng của nước Trần là Trần Hậu Chủ có một người em gái rất xinh đẹp là công chúa Lạc Xương. Công chúa Lạc Xương là người tính tình dịu dàng hiền hậu, lại biết vẽ tranh và làm thơ. Trần Hậu Chủ rất thương yêu nàng, thường đàm luận với nàng về thơ ca. Khi công chúa Lạc Xương 18 tuổi làm đám cưới với một chàng trai tài mạo vô song tên là Từ Đức Ngôn.
Hai vợ chồng họ đã trải qua những ngày tháng rất hạnh phúc. Bỗng nhiên chiến tranh xảy ra, Tùy Dương Kiên và Trần Hậu Chủ cùng tranh giành thiên hạ. Lực lượng của Tùy Dương Kiên rất mạnh, vì thế giành được ưu thế về quân sự. Trần Hậu Chủ vô cùng lo lắng, nói với em gái rằng: “Tình hình nguy cấp lắm rồi, vợ chồng em cũng nên lo liệu trước cho mình đi!”.
Công chúa Lạc Xương và Từ Đức Ngôn nghĩ tới lúc một khi nước Trần bị diệt vong, thì nhất định sẽ không thể tránh được chuyện sinh li tử biệt, vì thế cảm thấy rất đau lòng. Từ Đức Ngôn nghĩ rằng công chúa Lạc Xương đẹp như vậy, nếu đất nước bị diệt vong, nhất định sẽ bị người khác chiếm mất. Nhưng chàng vẫn hi vọng có dịp được đoàn tụ, thế là chàng liền lấy một tấm gương đập làm hai mảnh, tự mình giữ một mảnh, còn mảnh kia đưa cho công chúa Lạc Xương và dặn nàng vào ngày rằm tháng giêng năm sau đem mảnh gương vỡ ra chợ ở Kinh đô bán, chàng cũng sẽ lấy mảnh gương vỡ của mình tới làm vật chứng để đoàn viên. Sau đó, quả nhiên nước Trần bị diệt vong, Hậu Chủ bị bắt và trở thành tù nhân.
Công chúa Lạc Xương bị ép làm ái thiếp của Dương Tố là công thần của Dương Kiên. Đến ngày hẹn, Từ Đức Ngôn ra chợ chỉ tìm thấy một bà lão đang cầm mảnh gương vỡ để rao bán. Sau khi đem hai mảnh ghép lại với nhau, Từ Đức Ngôn biết được đây chính là người của Công chúa Lạc Xương liền yêu cầu bà lão kể rõ tình hình của Công chúa Lạc Xương. Bà lão kể lại hoàn cảnh hiện nay của công chúa Lạc Xương cho Từ Đức Ngôn nghe. Nghe xong, Từ Đức Ngôn liền viết một bài thơ lên mảnh gương vỡ đó:
鏡與人俱去
鏡歸人不歸
無復嫦娥影,
空留明月輝!
Kính dữ nhân cụ khứ
Kính qui nhân bất qui!
Vô phục Thường Nga ảnh,
Không lưu minh nguyệt huy!
Có nghĩa:
Gương đi người cũng đi theo,
Gương về người chẳng về theo lại nhà.
Đâu còn thấy được bóng Nga,
Bơ vơ như ánh trăng tà trống không !
Tạm dịch văn như sau:
“Gương với người đều cùng ra đi. Nay gương đã trở về với nhau rồi mà người thì vẫn không thấy trở về cùng nhau. Vì thế mà vẫn chưa được nhìn lại bóng dáng của Hằng Nga thuở trước, chỉ còn giữ lại được ánh trăng suông mà thôi. Tác giả bài viết này tạm dịch thơ như sau:
Người đi gương cũng ra đi,
Bây giờ gương về người chẳng thấy đâu!
Vắng Hằng Nga khiến lòng đau,
Chỉ còn trăng với nỗi sầu cô đơn!
Công chúa Lạc Xương đọc xong bài thơ này thì vô cùng buồn bã, bèn bỏ cơm nhất định không chịu ăn. Sau khi Dương Tố biết được câu chuyện thì rất cảm động, lập tức cho công chúa và Từ Đức Ngôn được đoàn viên.
Từ đó, người đời sau thường dùng câu thành ngữ “Phá kính trùng viên” này để nói đến việc vợ chồng sau khi ly tán lại được đoàn tụ. Trong cuộc sống, chúng ta có thể hôm nay ly biệt, nhưng về sau có thể trùng phùng, nên xem đó là chuyện bình thường. Thế mới biết: từ xưa tới nay, chuyện buồn vui, ly hợp là qui luật khách quan tất yếu của con người.