Trai tứ chiếng, gái giang hồ có nghĩa là gì?

Trai tứ chiếng, gái giang hồ có nghĩa là gì?
Share

Nguồn gốc của “Trai tứ chiếng”?

Có lẽ sẽ có nhiều người nghĩ rằng câu thành ngữ trên đây hẳn cũng có ý mỉa mai, khinh khi kiểu như  “mèo mả, gà đồng” hoặc “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”? Nếu vậy thì đó thật là một sai lầm tai hại!

Thật ra, “tứ  chiếng” là cách đọc chệch “tứ chính” mà ra. “Tứ chính” là tên gọi tắt của “tứ chính trấn” và nó còn được gọi khác là kinh trấn.

Từ xưa, nhân dân ta đã nhận thức được tầm quan trọng về mặt văn hoá của vùng đồng bằng miền Bắc. Kinh đô Thăng Long, đầu não của nước Đại Việt, nằm ở trung tâm đồng bằng miền Bắc. Chung quanh kinh đô Thăng Long có bốn vùng nên được gọi là bốn kinh trấn hay tứ chính trấn.

Đây chính là lý do giải thích cho sự ra đời của kinh trấn hay tứ chính trấn.

Trai tứ chiếng, gái giang hồ có nghĩa là gì?

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã có những nhận xét về đặc thù của “tứ chiếng”. “Tứ chiếng” đó là:

• Chiếng Sơn Nam
• Chiếng Kinh Bắc
• Chiếng Sơn Tây
• Chiếng Hải Dương

Dân tứ chính (hay tứ chiếng) được coi là có trình độ phát triển cao hơn dân ở các nơi khác. Và khẩu ngữ “trai tứ chiếng” xưa kia có nghĩa gốc là những người tài giỏi từ bốn kinh trấn xung quanh kinh đô Thăng Long, sau này được hiểu theo nghĩa rộng hơn là trai đã từng trải qua bốn phương trời hoặc trai từ bốn phương tụ hội. Hoàn toàn không phải là những người “đầu trộm đuôi cướp” như cách hiểu của một số người hiện nay.

Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng giảng hai tiếng tứ chính như sau: “tứ xứ, bốn phương” và cho ví dụ bằng câu ca dao sau:

Trai tứ chiếng, gái giang hồ
Gặp nhau làm nổi cơ đồ cũng nên

Nguồn gốc của “gái giang hồ”?

Chữ “Giang hồ” có gốc Hán-Việt  江湖 được học giả Đào Duy Anh giảng trong Hán Việt từ điển giản yếu như sau: Tam-giang và Ngũ-hồ(1) là chỗ ẩn dật – Không có chỗ định trú – Hư phù không tin được.  Như vậy, từ giang hồ trước kia dùng để chỉ cuộc sống phóng túng rày đây mai đó, không ở yên một chỗ.Tuy nhiên, với phong kiến Á đông xưa kia thì “giang hồ” với nghĩa trên chỉ được chấp nhận nơi nam nhi, chứ không chấp nhận nơi nữ lưu. Đối với người nam thì “giang hồ quen thói vẫy vùng”, nhưng đối với nữ nhi khuê các, thì “tiếc thay lưu lạc giang hồ”. Đào Duy Anh đã lấy 2 câu Kiều sau đây để giảng giải trong Từ điển truyện Kiều từ “giang hồ” là để chỉ người con gái làm đĩ.

Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái bốn mùa gió trăng

Hiện nay, phần lớn từ giang hồ được hiểu theo nghĩa phái sinh theo hướng xấu, đồng nghĩa với du đãng, đâm thuê chém mướn. Chẳng hạn ai ở Sài Gon chắc biết câu “giang hồ quận 4”, để chỉ dân du đãng quận 4 (nơi có bến cảng trước năm 1975 nổi tiếng anh chị), hoặc “dân giang hồ”, để chỉ dân dao búa, đâm thuê chém mướn, hoặc “gái giang hồ”, để chỉ những cô gái “buôn hương bán phấn”.


Chú thích

(1) Tam giang và Ngũ hồ chỉ là cách nói ước lệ tương tự câu bốn biển là nhà

  • Tháng Sáu 30, 2020