Xuất xứ của tên gọi công chúa
Công chúa (chữ Hán: 公主) là một tước hiệu quý tộc dành cho nữ giới, thường được phong cho con gái Hoàng đế (Hoàng nữ). Tước hiệu Công chúa được chính các Hoàng đế ra sắc chỉ gia phong.
Trong lịch sử, tước hiệu Công chúa chỉ dùng ở 3 quốc gia ảnh hưởng văn minh Trung Hoa là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên (trừ Nhật Bản). Tại những quốc gia này, tước hiệu Công chúa hầu hết là phong hiệu của các Hoàng nữ (con gái Hoàng đế) hoặc Vương nữ (con gái Quốc vương), nên trong các tài liệu Trung Quốc và Việt Nam, từ Công chúa hiện diện với nghĩa phổ biến để chỉ con gái của các Hoàng đế hoặc Quốc vương của các quốc gia quân chủ(1).
Tên gọi công chúa để chỉ con gái của vua đã có từ thời Chiến quốc ở Trung Quốc cổ đại. Vào thời đó, ở Trung Quốc, mỗi khi con gái đi lấy chồng thì cha của cô gái sẽ là người đứng ra làm chủ hôn. Nhưng nếu con gái của vua đi lấy chồng? Bản thân nhà vua được xem là thiên tử (tức con trời) thì không thể đứng ra làm chủ hôn được. Vì vậy, để giải quyết việc này chỉ có thể tìm một người cùng họ trong số các chư hầu để thay thế nhà vua làm chủ hôn. Tuy nhiên, chỉ có chức “công” ngay sau nhà vua mới được giao nhiệm vụ này. Về sau, đến đời Tần Hán thì “tam công” trong triều chủ trì việc này, cho nên người ta đã dựa vào việc này mà gọi con gái của nhà vua là công chúa(2).
Sách Công Dương truyện thời Chiến Quốc, có chép: “Thiên tử giá nữ ư chư hầu, tất sử chư hầu đồng tính giải chủ chi” (天子嫁女於诸侯,必使諸侯同姓者主之, Thiên tử gả con gái cho chư hầu, tất phải do chư hầu cùng họ làm chủ hôn).
Sách Ấu học quỳnh lâm thời Minh, bổ túc thêm: “Đế nữ nãi công hầu chủ hôn, cố hữu Công chủ chi xưng” (帝女乃公侯主婚,故有公主之稱, Con gái hoàng đế do công hầu làm chủ hôn, vì vậy gọi là Công chủ). Từ “Chủ” (主), sang tiếng Việt, còn được phiên âm thành “Chúa”, vì vậy từ Công chủ cũng được biến âm thành Công chúa.
Tước hiệu Công chúa tùy theo địa phương hoặc triều đại có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Thời cổ đại, tước hiệu này thường chỉ phong cho các Hoàng nữ, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, các phụ nữ quý tộc không phải là Hoàng nữ, thậm chí thuộc tầng lớp thấp hơn, do tài năng hoặc công tích đặc biệt, cũng được Hoàng đế phá lệ phong tước hiệu Công chúa.
Trong các điển tịch Trung Quốc, từ Công chúa thường được giản xưng là “Chủ” (主), Công chúa lấy chồng xưng là “Thích” (適), người cưới Công chúa thì xưng là “Thượng” (尚). Mỗi Công chúa thường có một phong hiệu để tránh gọi tên húy, kèm đất phong để làm thực ấp (thường gọi là Thang mộc ấp, ấp tắm gội).
Chú thích
(1) Trong nhiều trường hợp chuyển ngữ cho các tước hiệu nữ giới khác, dựa trên các tài liệu tiếng Anh, những phụ nữ được chú kèm tước hiệu “Princess” cũng được chuyển ngữ thành tước hiệu Công chúa. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn trong một số trường hợp các tước hiệu như trường hợp con gái của tướng quân Nhật Bản, do ảnh hưởng của tiếng Anh khi dịch từ 姫 (Romaji: hime; Hán Việt: chẩn), cũng được chuyển ngữ sai thành Công chúa.
(2) Trong khi đó, chỉ cần đổi ngược hai từ công chúa thì nghĩa đã khác hoàn toàn. Thời trước, Chúa công là danh xưng mà một thuộc hạ dùng để gọi người mình đi theo phò tá.