sự tích “kết cỏ ngậm vành”.

thongdong: Kết cỏ ngậm vành
Share

Thành ngữ tiếng Việt kết cỏ ngậm vành là dịch từ thành ngữ tiếng Hán kết thảo hàm hoàn, bắt nguồn từ hai sự tích riêng biệt. Nguy Vũ Tử đời nhà Tấn rất yêu quí người vợ lẽ nên khi hấp hối thì dặn con trai là Nguy Khoả hãy chôn người vợ lẽ với mình. Nguỵ Khoả không đành lòng nên sau khi cha chết thì cho vợ lẽ của cha đi lấy chồng khác. Về sau, Khoả đi đánh giặc, sắp thua tướng nhà Tần là Đỗ Hồi thì bỗng dưng thấy Hồi bị vướng cỏ mà ngã. Nhờ thế, Nguỵ Khoả bắt được Đỗ Hồi. Đêm về, Khoả nằm mộng thấy có một ông già đến nói: “Cảm vì ông đã không chôn sống con gái tôi nên tôi đã kết cỏ mà làm vướng chân giặc để cứu ông”. Đó là chuyện kết cỏ.

thongdong: Kết cỏ ngậm vành

Sau đây là chuyện ngậm vành: Đời nhà Hán có Dương Bảo mới lên chín tuổi đi chơi ở phía Bắc núi Hoa Âm, thấy một con chim sẻ vàng bị chim cắt cắn gần chết. Bảo đem về nhà nuôi gần một trăm ngày chim mới khoẻ lại rồi bay đi. Đêm ấy có một đồng tử áo vàng miệng ngậm bốn chiếc vòng ngọc đến bái tạ mà nói: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, trước đã nhờ người cứu vớt nên nay đến đền ơn người đây. Cầu cho con cháu người sau này cũng sẽ vinh hiển”. Người ta kể rằng quả nhiên về sau con của Bảo là Chấn, cháu là Bỉnh, chắt là Tứ và chít là Bưu đều được vinh hiển.

Thành ngữ kết cỏ ngậm vành về sau thường được dùng như một lời nguyền đền ơn đáp nghĩa trọng hậu.

  • Tháng Năm 14, 2023