“Bánh vẽ” có phải là bánh của làng Vẽ hay không ?
Trước đây tôi cứ tưởng bánh vẽ là bánh do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ mới dùng để chỉ cái gì không có thật. Nhưng trên Tuổi trẻ chủ nhật số 28-1992 (19-7-1992), trang 20, tác giả bài “Bánh vẽ” là Đức Văn Hoa lại viết rằng đó là “một món bánh đặc sản cổ truyền của làng Vẽ, thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội ngày nay” và câu ví:
Khát nước đứng cạnh bờ ao
Đói ăn bánh vẽ chiêm bao được vàng
chính là đã nói đến thứ bánh đó của làng Vẽ.
Trong bài “Chữ và nghĩa” (Ngôn ngữ, số 1, 1969, tr. 85 – 89), nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã từng nói như Đức Văn Hoa. Khác nhau là ở chỗ Nguyễn Công Hoan nói rằng bánh vẽ là loại bánh “thu đa nhập thiểu” vì nó “to gần bằng quả pinh pông, nhưng khi ăn, bỏ vào miệng, bánh có nước dãi làm tan ra thì nó chỉ tóp lại có một tí” còn Đức Văn Hoa thì nói rằng đó là loại bánh “nạp thiểu thu đả” vì “bánh vẽ khi chưa rán chín chỉ là một miếng bột mỏng, bé tí tẹo, nhưng khi rán chín sẽ nở phồng to như cái chén uống nước!” Nguyễn Công Hoan còn đề nghị viết hoa chữ “v” thành “V(ẽ)” nữa! Nhưng cả Nguyễn Công Hoan lẫn Đức Văn Hoa đều không có lý: bánh làng Vẽ, dù là “thu đa nhập thiểu” hay “nạp thiểu thu đả” thì cũng là một thứ bánh có thật còn bánh vẽ lại là một thứ bánh “hư” tuyệt đối, nghĩa là hoàn toàn không thật!
Bánh vẽ là một đơn vị từ vựng tiếng Việt ra đời bằng hình thức vay mượn theo lối dịch nghĩa (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: calque, heteronym, loan translation hoặc translation loan word) từ tiếng Hán hoạ bỉnh. Sách Tam quốc chí, phần Nguỵ chí, truyện Lư Dục, có đoạn câu sau đây: “Tiếng tăm như bánh vẽ trên đất, không thể ăn được” (Danh như hoạ địa tác binh, bất khả đạm dã). Sách Truyền đăng lục cũng có ghi lại lời nói của Trí Nhàn: “Bánh vẽ không thể làm cho hết đói” (Hoa binh bất khả sung cơ).
Thơ của Lý Thương Ấn cũng có câu: “Cấp bậc (của quan) như bánh vẽ” (Quan hàm đồng hoa binh). Thành ngữ hoa binh sung cơ (vẽ bánh mà làm nguôi cơn đói) vẫn còn tồn tại trong tiếng Hán hiện đại.
Huỳnh-Tịnh Paulus Của cũng đã giảng trong Đại Nam quốc âm tự vị như sau: “Bánh vẽ. Cuộc dối giả, chữ gọi là hoạ bỉnh”. Vậy điều mà bạn đã “tưởng” chính lại là điều hoàn toàn đúng sự thật và bánh vẽ chẳng có liên quan gì đến bánh của làng Vẽ cả.