Tại sao trên mũ lính Nhật lại có miếng vải vá ?

Share

Những ai đã xem qua các bộ phim về đề tài lính Nhật trong Thế chiến II đều thấy chiếc mũ mà lính Nhật đội rất khác với mũ của các quân đội khác. Sự khác biệt này chủ yếu ở những miếng vải vá vào bên dưới vành mũ. Chiếc mũ này cùng với súng trường Type 38 đã trở thành tiêu chuẩn điển hình của lính Nhật trong Thế chiến thứ 2.

Vậy vì sao trên mũ của lính Nhật lại có mấy miếng vải như thế? Nó có tác dụng gì không?

Trong thời kỳ chiến tranh với Trung Quốc, quân Nhật chịu nhiều thương vong vì đội đại đao của quân đoàn 29 Trung Quốc. Do vậy dân gian từng có truyền thuyết: Người Nhật Bản may thêm mấy miếng vải vào mũ cho binh sỹ là vì để phòng ngừa đại đao chém đầu. Thực ra thuyết này không có căn cứ gì, bởi vì những miếng vải này chỉ là vải bông, làm sao có thể phòng ngừa được sức mạnh từ cú chém của đại đao.

Hơn nữa, thời kỳ trước Thế chiến II, quân Nhật đã may thêm những miếng vải vào mũ cho binh sỹ gọi là “mạo thùy”. Năm 1899 quân Nhật chiếm Đài Loan và năm 1900 quân Nhật tham chiến trong liên quân 8 nước đều đã có sử dụng loại mũ quân dụng này rồi.

Trên thực tế, mũ quân dụng có 2 “mạo thùy” này không phải là thiết kế do người Nhật sáng tạo đầu tiên, mà là sáng tạo của quân đội Pháp. Quân đội Nhật hiện đại được xây dựng trong thời kỳ Minh Trị, đầu tiên sử dụng trang phục kiểu Pháp và phương pháp huấn luyện của Pháp (thời đó nước Pháp là cường quốc số 1 châu Âu), “mạo thùy” chính là học theo trang phục của quân Pháp mà ra.

Loại mũ có “mạo thùy” này được sử dụng sớm nhất trong quân đoàn Bắc Phi của Pháp. Bởi vì Bắc Phi là xứ sa mạc, để tránh cho binh sỹ khỏi bị ánh mặt trời chiếu vào gây tổn thương da cho nên người ta đã may thêm các tấm vải vào bên dưới mũ. Những tấm vải này đồng thời còn có thể phòng ngừa côn trùng và muỗi đốt, hiệu quả rất tốt.

Như vậy thực ra những tấm vải che gáy che tai này nhằm mục đích chính là chống nắng và chống muỗi với côn trùng cắn. Quân Nhật sau khi nhập các mũ quân dụng này của Pháp, lại có cải tiến của mình, đó là từ chỗ một tấm vải liền chia thành vài tấm riêng rẽ. Bởi vì chiến trường châu Á Thái Bình Dương không có sa mạc nhưng lại có rất nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới rộng lớn, khí hậu nóng ẩm, muỗi hoành hành, rất dễ viêm nhiễm phát sinh bệnh tật. Tác chiến ở khu vực này, có khi việc giảm quân số không phải vì chiến đấu với quân địch mà lại do các yếu tố thiên nhiên, vậy nên không thể không coi trọng.

Việc đem cả tấm vải chia thành nhiều tấm có thể giúp không khí lưu thông, thoải mái hơn, có thể ngăn ngừa các bệnh ngoài da, đồng thời trong quá trình hoạt động, “mạo thùy” sẽ không ngừng lay động có tác dụng xua đuổi muỗi và côn trùng. Theo thống kê, những chiếc mũ kiểu này đã giúp quân Nhật ở chiến trường châu Á Thái Bình Dương giảm được gần 10 vạn quân thương tích phi chiến đấu, cải thiện rất lớn tình trạng phát sinh bệnh tật trong quân Nhật.

  • Tháng Tám 3, 2022