Vì sao biểu tượng của ngành Y lại là con rắn?

Thần Nông, thủy tổ của nông nghiệp và Đông y (tranh vẽ qua Epoch Times)
Share

Nhiều người thắc mắc, tại sao biểu tượng trong ngành Y dược lại là con rắn mà không phải là con vật hay thực thể khác? Khi thì thấy hai con, lúc lại một con rắn quấn quanh một cây gậy, có khi thì cái ly hoặc cốc (hay gặp trong ngành dược)?

Để trả lời cho đến tường tận câu hỏi trên kỳ thực là một câu chuyện dài và rất phức tạp, vì các nhà nghiên cứu Cổ học và Y khoa đã tranh cãi về nguyên uỷ của biểu tượng ấy suốt nhiều thập kỷ qua, nói chung chưa hẳn ngã ngũ nhưng cũng đã có dấu hiệu sáng tỏ.

Tìm hiểu biểu tượng ngành Y và ý nghĩa của biểu tượng là gì?

Từ truyền thuyết về rắn…

Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, Esculape – con trai của thần Apollo (thần Thái Dương) và Coronis, con gái vua Phlégyas xứ Thê-bê – được xem là ông tổ của ngành Y dược. Esculape không những có khả năng chữa bệnh mà còn có cả biệt tài làm cho người chết sống lại.

Thần Esculape (tiếng Latin) còn có tên gọi khác là Asclépios (tiếng Hy Lạp) nhiều khả năng chào đời ở Thessalie thuộc miền Bắc Hy Lạp vào khoảng năm 1260 trước Công nguyên. Truyền thuyết cho rằng, mẹ ông qua đời khi đang còn mang thai ông và cha ông đã phải mổ lấy con ra khỏi bụng mẹ.

Vì mẹ mất nên Esculape bị đem bỏ lên núi gần thành phố Epidaure, nhờ được dê cho bú và chó canh chừng nên đã sống sót. Sau đó ít lâu, Esculape được cha mang đến cho Chiron, vị Nhân Mã (đầu người, hình ngựa) nuôi dạy. Do bản tính ưa quan sát và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên nên Esculape sớm nhận ra các loại cây cỏ có dược tính chữa bệnh hoặc có thể cải tử hoàn sinh.

Tranh: Thần Apollo giao Asclépios cho nhân mã Chiron. Tác giả: Christopher Unterberger, người Áo.
Tranh: Thần Apollo giao Asclépios cho nhân mã Chiron. Tác giả: Christopher Unterberger, người Áo.

Cũng theo truyền thuyết, một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Ngay sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và sử dụng nó giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.

Thần Zeus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp cổ đại, sợ Esculape quá tinh thông y học sẽ giúp cho loài người trở thành bất tử nên sai anh em nhà Cyclopes tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt. Nhờ thần Apollo kêu xin, thần Zeus đã tha tội và cho Esculape tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã (Sagittaire). Từ đó, Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc.

Một bức tượng Esculape cùng cây gậy và con rắn (ảnh: Wiki)
Một bức tượng Esculape cùng cây gậy và con rắn
(ảnh: Wiki)

Đến ông tổ của ngành y dược …

Thần Esculape lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygeia và Panacée, 3 con trai là Thelesphore, Machaon và Podalire. Tất cả 5 người con của ông đều tạo dựng được danh tiếng không kém cha.

một bức tượng nữ thần Hygeia
Một bức tượng nữ thần Hygeia

Cũng theo truyền thuyết, Hygeia đã nuôi rắn thần để chữa bệnh và về sau trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène. Cô con gái thứ hai – Panacée – là nữ thần có khả năng chữa mọi bệnh tật, do đó thuốc chữa bệnh được gọi là Panacée. Hai người con trai đều tham gia cuộc chiến thành Troy và đã được Homère ca ngợi trong tập trường ca Iliad. Machaon có tài chữa mọi vết thương cho các chiến binh, còn Podalire là một thầy thuốc ngoại khoa tài năng. Con trai của Podalire là Hipocoon, tổ tiên của Hippocrate, sau này được tôn vinh là bậc y tổ của thế giới.

Trong nhiều thế kỷ, có thể vào thời kỳ Pindare, đầu thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên; Esculape mới được tôn thờ như một vị thần linh của y học Hy Lạp. Cũng có lẽ từ thời điểm này, những đền thờ đầu tiên được xây dựng để ghi ơn ông, đồng thời còn được dùng làm nơi khám chữa bệnh. Chữ Esculape về sau đã trở thành danh từ chung để chỉ những người hành nghề y dược.

Để tưởng nhớ Esculape, hậu thế đã dựng bức tượng của ông, tay cầm chiếc gậy làm bằng cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu. Cũng theo truyền thuyết, loài rắn đã được đưa đến La Mã để cứu nguy cho người dân bị nạn dịch hạch đang gieo rắc nỗi khiếp đảm lúc bấy giờ. Có người còn cho rằng, những con rắn của thần Esculape đã chữa bệnh cho người bằng cách liếm các vết thương của người bệnh trong lúc họ đang ngủ.

Và biểu tượng của ngành Y – dược

Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.

con-ran-nganh-y-675x400

Trong biểu tượng của ngành dược cũng sử dụng con rắn này nhưng nó quấn quanh một cái ly hoặc cốc có chân cao. Chiếc ly/cốc tượng trưng cho chén thuốc của nữ thần sức khỏe Hygeia, bên trong có chứa đựng chất dịch được chiết xuất từ các loại cây cỏ. Con rắn tượng trưng cho sức khỏe và sự trẻ trung. Biểu tượng của ngành dược nhanh chóng được quốc tế công nhận giống như biểu tượng con rắn và cây gậy của ngành y.

Hiện còn có một cách lý giải khác về cây gậy thần và con rắn trong biểu tượng của ngành Y: Gậy thần gồm một bó đũa (hoặc chiếc đũa) chế từ cây nguyệt quế (tượng trưng cho sự vinh quang và được người La Mã sử dụng làm mũ đội cho các binh sĩ thắng trận trở về). Hai con rắn hoặc có khi một con ôm quanh hai bên cây gậy là biểu tượng của thần Hermès (thần thoại Hy Lạp) và sau này là thần Mecure của người La Mã, vị thần điều hành sức khoẻ và sự mua bán. Các con rắn vừa biểu tượng cho sự thận trọng, tính khôn khéo vừa đại diện cho sự cân bằng về tâm thần và thể xác của các nhà hiền triết cổ đại. Các thầy thuốc và dược sĩ Châu Âu đã lấy hình tượng con rắn và gậy thần làm biểu trưng cho nghành Y…

Văn minh thủy tổ” đều là do Thần truyền?

Ngày nay nhiều người cho là mê tín khi nhắc đến các vị Thần, nhưng khi tra lại lịch sử, người ta phải thừa nhận rằng sự khởi đầu của bất kỳ nền văn minh nào trên thế giới cũng đều gắn với các vị Thần, các truyền thuyết và thần thoại.

Câu chuyện về biểu tượng ngành y cũng đã gợi ý rằng chính là các vị Thần đã khai sáng ra cái gốc của y học hiện đại ngày nay. Không chỉ Tây Y, mà Đông y cũng vậy, được khai sáng bởi Thần Nông từ hơn 5000 năm trước đây.

Thần Nông, thủy tổ của nông nghiệp và Đông y (tranh vẽ qua Epoch Times)
Thần Nông, thủy tổ của nông nghiệp và Đông y (tranh vẽ qua Epoch Times)

Rất nhiều “dấu ấn của Thần” còn để lại cho đến nay. Theo thống kê, chữ Hán hiện đại có khoảng 1000 thành ngữ thường dùng, trong đó có trên 280 thành ngữ chứa chữ “Thần”. Ví dụ: “Tâm khoáng Thần di” (Tạm dịch: Tâm trí thanh thản, lòng dạ thảnh thơi), “Thần thanh khí mậu” (Tạm dịch: Tinh thần thanh sạch, khí tiết phong phú), “Thần sắc tự nhược” (tạm dịch: Thần sắc vẫn tự nhiên), “Thần thái hồng hào, sáng láng”, “Quỷ phủ Thần thông” (chỉ tài nghệ điêu luyện), “Tập trung tinh thần”, “Toàn thần quán chú” (Tạm dịch: Hết sức chăm chú)…

Người xưa đối với “Thần” đều tỏ lòng tôn kính, bởi vì trước hết đó là những vị có cốt cách và phong thái đạo đức cao thượng phi phàm, hoặc là đã “Đắc Đạo”, thông thấu được lý trời, làm ra những “Thần tích”, để lại những “Thần ngôn”… cho con người.

Khoa học hiện đại cũng mang lại nhiều bằng chứng về văn minh nhân loại, văn minh tiền sử. Tuy nhiên ai có thể mở lòng để nhìn nhận một cách khách quan các bằng chứng lịch sử này? Và chỉ khi đó, người ta mới có thể nhận thức thêm về con người, sinh mệnh, vũ trụ, đồng thời đưa ra được những giải pháp trị liệu phù hợp hơn. Đối diện với làn sóng bệnh tật và sức khỏe nhân loại đang suy thoái, việc này dường như cấp bách hơn bao giờ hết.

Đình Vũ

  • Tháng Tám 11, 2022