Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mèo mả gà đồng” nói lên điều gì? - Trung Cấp  Y Dược Tại TPHCM
Share

Trên Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu (tr. 26), Huệ Thiên đã cho rằng hai tiếng gà đồng trong thành ngữ mèo mả gà đồng là con gà hoang chứ không phải con ếch. Những năm học trung học trước giải phóng, thầy dạy Quốc văn có giải thích cho chúng tôi thành ngữ trên như sau: Nghĩa đen: Đến mùa động dục, họ hàng nhà mèo tìm nơi vắng để làm tình, chẳng hạn như nơi gò mả hoang vắng. Còn họ nhà ếch (gà đồng) bắt từng cặp với nhau ngoài đồng ruộng khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. Nghĩa bóng: ở đây chỉ bọn thanh niên lêu lổng có tình cảm lăng nhăng bậy bạ. Vậy gà đồng trong thành ngữ nói trên là con ếch hay con gà hoang như Huệ Thiên đã nói?

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mèo mả gà đồng” nói lên điều gì? - Trung Cấp  Y Dược Tại TPHCM

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giảng như thầy của ông. Nhưng đó là một cách giảng không đúng. Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập đã đúng khi giảng thành ngữ đang xét đồng nghĩa với mèo đàng, chó điếm, dùng để chỉ “những kẻ điếm đàng, du thủ du thực”.

Đây cũng là cách giảng của Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều mà chính ông cũng đã trích dẫn trong thư: “Mèo ở mả, gà ở đồng không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng”. Nguyễn Thạch Giang cũng giảng: Mèo hoang sống kiếm cái ăn nơi nghĩa địa, gà hoang sống ở đồng nội, ví với hạng người vô lại, không có sở cử nhất định” (Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr. 438, câu 1731).

Còn sau đây là lời của Nguyễn Quảng Tuân: “Giảng “gà đồng” là con ếch thì chẳng có nghĩa gì. Mèo mả gà đồng ở đây được đặt đối nhau: mèo ở mả, gà ở đồng. Mèo ở mả là mèo hoang, sống ở tha ma. Gà ở đồng là gà hoang sống ở đồng nội. Người ta ví hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định với loài mèo hoang sống lang thang ngoài nghĩa địa và với loài gà hoang sống lang thang ở ngoài đồng nội. Gà đồng đâu có phải chữ nói lóng mà giảng là con ếch!” (Chữ nghĩa Truyện Kiều, Hà Nội, 1990, tr. 58).

Trên đây là cách hiểu của nhà từ điển và nhà chú giải. Bây giờ đặt thành ngữ đang xét vào câu Kiều thứ 1731 và ngôn cảnh cụ thể của đoạn Kiều 1728 – 1737 là lời mắng mỏ của Hoạn bà thì sẽ thấy lời mắng mỏ này chẳng có liên quan gì đến chuyện “trên Bộc trong dâu”, nghĩa là đến chuyện quan hệ nam nữ lăng nhăng cả. Hoạn bà chỉ mắng Kiều là hạng đàn bà con gái bỏ nhà đi hoang mà thôi.

Vậy đồng trong thành ngữ đang xét khác với gà đồng là con ếch, dịch từ tiếng Hán điền kê, và đương nhiên là chẳng có liên quan gì đến chuyện ếch bắt cặp khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cả.

  • Tháng Năm 14, 2023