Khó mà biết “đọc vị” là gì

Share

Đọc vị bất kỳ ai là tên một quyển sách do Quỳnh Lê dịch từ quyển You can read anyone của David J. Lieberman,  được Trần Vũ Nhân hiệu đính và do Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân ấn hành.

Theo quảng cáo cho quyển sách này thì “phần I giúp bạn «đọc vị» (AC đánh ngoặc kép) được người khác một cách nhanh chóng, để biết được suy nghĩ, cảm giác và xúc cảm cơ bản của họ (…) ”. Còn Học viện Doanh nhân GED thì quảng cáo cho nó như sau: “Đọc người khác là một trong những công cụ quan trọng, có giá trị nhất, giúp ích cho bạn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đọc vị người khác để: – Phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm thấy một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kỳ hoàn cảnh nào (…)”.

Tuy hàm nghĩa của hai tiếng “đọc vị” đã được gợi lên trong hai lời quảng cáo trên đây nhưng chúng tôi vẫn không nghĩ ra được xuất phát từ đâu mà người ta dùng lối diễn đạt “bí hiểm” này, đặc biệt là về chữ “vị”… vô duyên. Chúng tôi bèn tham khảo ở mấy người bạn là nhà ngữ học hoặc cán bộ giảng dạy khoa ngữ học thì các vị này cũng “bó tay chấm com”!

Tìm hiểu thêm thì thấy dưới tiêu đề “7 bước để đọc vị bất kỳ ai!”, chủ quản của gockynang.vn giảng: “«Đọc vị» hay nắm bắt ngôn ngữ cơ thể của người khác là một trong những kỹ năng đặc biệt giúp bạn thành công trong mọi lĩnh vực. Tìm hiểu sâu về ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị. Một số người may mắn có thể hiểu nó một cách tự nhiên, nhưng hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn khi tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể”.

Lời giảng trên đây giúp ta hiểu thêm một chút rằng “đọc vị” đại khái là “nắm bắt ngôn ngữ cơ thể của người khác” nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn, không biết chữ “vị” thì dính dáng gì đến cơ thể con người , ngoại trừ cái dạ dày của nó, như trong tên thuốc “tràng vị khang” (“vị” là dạ dày).

Nói chung, “đọc vị” là một cách diễn đạt tối tăm. Nhưng cũng có người ăn theo nó để tăng tính giật gân cho bài viết của mình. Chẳng hạn, trên giadinh.net.vn ngày 8/4/2011, mục “Thâm cung bí sử: Đọc vị bất kỳ ai” có mấy câu: “Nguyễn Văn có tài đọc vị bất kỳ ai. Đụng đến nhân vật nào anh ta cũng có thể kể vanh vách (…) Con đường thăng tiến của ông Nguyễn nhà báo được Nguyễn Văn đọc vị như sau (…)”.

Thực ra thì “đọc vị” chẳng qua là hai chữ mà Quỳnh Lê đã dùng để dịch động từ “read” trong nhan đề của quyển You can read anyone. Động từ này cũng đã được “diễn dịch” đó đây  là “thâm nhập vào suy nghĩ của người khác”. Cái nghĩa của “read” trong You can read anyone cũng đã được“diễn dịch” bằng tiếng Anh là “to know a person’s thoughts and feelings at anytime” (biết được ý nghĩ và cảm nhận của ai đó bất cứ lúc nào). Dĩ nhiên là dịch giả và người hiệu đính thừa biết điều này nhưng hình như họ bị khựng lại ở tiếng mẹ đẻ nên mới phải nhờ vả đến cái chữ “vị” kia.

Với chúng tôi, để dịch tốt, dịch hay một thứ tiếng nước ngoài thì người dịch đương nhiên phải thông thạo thứ tiếng đó. Nhưng đây chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ vì trước nhất người dịch phải thông thạo chính tiếng mẹ đẻ của mình. Trong trường hợp đang bàn, dịch giả đã bám vào nghĩa gốc của động từ “read” trong tiếng Anh mà dịch sang tiếng Việt thành “đọc” rồi thêm “vị” vào để diễn đạt cái ý đại khái là “biết được ý nghĩ và cảm nhận của ai đó”. Nhưng người có kiến thức thông thường và cần thiết để hiểu tiếng Việt vẫn khó mà hiểu được nghĩa của chữ “vị” ở đây nên ta không thể nói rằng dịch giả đã đạt được mục đích là chuyển tải được cái mà Lieberman diễn đạt bằng chữ “read” đến người đọc là người Việt Nam. Cao Xuân Hạo đã nói rằng “dịch thuật sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai và dịch dở”. Ông cũng nhắc đến lời của Trương Chính: “Cách tốt nhất để dịch thuật cho đúng và cho hay một câu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là thử hình dung xem trong một hoàn cảnh tương tự thì người Việt sẽ nói như thế nào, viết như thế nào”. Chúng tôi mạo muội cho rằng trong hoàn cảnh tương tự thì người Việt sẽ diễn đạt “read” thành “hiểu thấu”, với hàm nghĩa là “đi guốc trong bụng”. Và cá nhân chúng tôi cũng sẽ rất hân hạnh nếu được dịch giả giảng rõ về lý do mình dùng chữ “vị” ở đây.

  • Tháng Ba 6, 2023