Vì sao đôi khi mí mắt của chúng ta bị co giật?

Share

Hiện tượng mí mắt co giật đôi khi là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu báo trước về vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Mí mắt co giật có thể là hiện tượng tố cáo một số thói quen xấu trong lối sống thường ngày của bạn. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn – nơi dễ thu hút sự chú ý của người khác nhất. Do vậy, bất cứ ai trong số chúng ta cũng cần quan tâm chăm sóc và bảo vệ đôi mắt của chính mình. Hiện tượng co giật ở mắt là một tình trạng co thắt gây ra do dây thần kinh trong mắt. Thông thường hiện tượng này sẽ nhanh chóng biến mất trong khoảng vài ngày hoặc vài phút, nhưng nếu mắt của bạn không ngừng co giật trong một khoảng thời gian dài thì hãy đến bác sĩ để tìm ra được những biện pháp điều trị phù hợp nhé!


Minh họa bởi Peter Oumanski của TIME

Giải mã hiện tượng mí mắt co giật

Hiện tượng mí mắt co giật đôi khi là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu báo trước về vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao đôi lúc mắt của bạn có những dấu hiệu co giật nhẹ nhưng nhanh chóng biến mất chưa? Liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến mắt không?

Tiến sĩ Wayne Cornblath – một giáo sư nhãn khoa tại trường Đại học Kellogg Eye Center của Michigan giải thích: “Một cơn rung nhẹ ở mắt – không có cảnh báo khi xuất hiện nhưng bất ngờ biến mất, thường là không có nguyên nhân cụ thể. Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều từng bị như thế một lần và chỉ trong một lúc. Khi bạn dụi mắt và thế là nó dừng lại”.

Wayne Cornblath nói về một loại co thắt cơ bắp âm thầm xảy ra trong mí mắt (hay chính xác là một phần của mí mắt). Điều này có thể là một mối phiền toái nhưng nó thường tự biến mất trong vài ngày hoặc thậm chí vài phút.

Để tránh tình trạng co giật mắt, bạn có thể cần phải cắt giảm lượng caffeine trong thức uống hàng ngày. Tiến sĩ Cornblath cho biết: “Tiêu thụ quá nhiều lượng caffeine có thể sẽ trở thành nguyên nhân gây ra việc co giật mí mắt”. Nghiên cứu từ trường Đại học York tại Canada đã chỉ ra rằng caffeine thúc giục sự giải phóng chất kích thích dẫn truyền thần kinh, như: serotonin và noradrenalin. Vị giáo sư giải thích rằng: “Caffeine là một chất kích thích, làm tăng khả năng phản ứng bên trong các cơ bắp và dây thần kinh. Điều này có thể lý giải cách mà chất caffeine thỉnh thoảng gây ra cơn run ở mí mắt”.


Ảnh minh họa.

Việc ngủ quá ít dường như cũng ảnh hưởng đến vấn đề này, mặc dù lý do này thì không thực sự rõ ràng. Tiến sĩ Cornblath nói rằng: “Nghiên cứu cho thấy giữa chúng có mối tương quan và tất cả chúng ta đều biết ngủ nhiều hơn sẽ giúp ích cho việc giảm co giật mắt, nhưng lại không biết lý do tại sao“. Điều tương tự này cũng xảy ra đối với việc co thắt cơ bắp nói chung và khá phổ biến nhưng lại khó có thể giải thích được. Ông nói thêm: “Bạn có thể nghe nhiều về những lý do như hàm lượng kali thấp hay mất nước, nhưng cũng khá khó để chứng minh điều đó“.

Theo tiến sĩ Rebecca Taylor – một phát ngôn viên của American Academy of Ophthalmology cho biết, căng thẳng cũng có thể đóng một vai trò trong điều này. Khi mệt mỏi, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra nhiều chất epinephrine hơn – một loại hormone giúp cơ thể bạn chuẩn bị hoạt động. Trạng thái kích thích của cơ bắp được nâng cao có thể biểu hiện qua việc co thắt nhẹ hoặc co giật, giống như trường hợp co giật mí mắt như vừa đề cập ở trên.

Cornblath nói rằng: “Trong một vài trường hợp hiếm khi xảy ra, bạn không gặp vấn đề với giấc ngủ và căng thẳng nhưng các cơn co giật mí mắt vẫn kéo dài thì phương pháp điều trị Botox sẽ giúp giải quyết vấn đề này“. Ông giải thích thêm: “Botox tạm thời “tắt” các kết nối giữa cơ bắp và dây thần kinh”.

Co giật mí mắt thường “lành tính“. Cả tiến sĩ Cornblath và tiến sĩ Taylor đều cho biết như vậy, nhưng nếu cơn co giật lan rộng thì không hẳn là an toàn. Theo Cornblath cho biết, “nếu cơn co giật ở vị trí thấp hơn so với mặt hoặc cổ thì đây lại là một chuyện hoàn toàn khác“.

Taylor nói rằng điều này thường không phổ biến, nhưng nếu có một cơn co giật xuất hiện ở một bên mặt của bạn – co giật nửa mặt – chắc chắn bạn phải đến gặp bác sĩ ngay. Một trường hợp khác có tên gọi là blepharospasm – khi toàn bộ mí mắt đóng lại hoặc nhấp nháy không kiểm soát được. Có một số nguyên nhân quan trọng có thể dẫn đến vấn đề này, bác sĩ nhãn khoa sẽ giúp bạn tìm ra điều gì đang xảy ra với mắt của bạn.

Quay trở lại với việc co giật mắt, nếu mí mắt co giật kéo dài trong nhiều tháng thì tốt nhất bạn hãy đi kiểm tra mắt. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó sẽ tự động biến mất.

  • Tháng Tám 25, 2022