“Bàng hoàng” hay “bàn hoàn”?

Share

“Bàng hoàng” là một từ rất quen thuộc đối chúng ta. Vì vậy, khi bắt gặp từ “bàn hoàn” ta không khỏi nghi ngại rằng đây là từ sai chính tả. Tuy nhiên, sự thật thì đây là từ đúng, và nó có nghĩa hoàn toàn khác với “bàng hoàng”.

Về điều này, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giảng: “Bàn hoàn: nghĩ quẩn quanh không dứt”. Bên cạnh đó, Từ điển Văn Tân và Việt Nam tự điển do Lê Ngọc Trụ chủ biên cũng giải thích thêm, lần lượt là: “Bàn hoàn: lo lắng trong một tình cảnh khó khăn và tính toán tìm lối thoát”, “Bàn hoàn: băn khoăn, không yên lòng. Tôi rất bàn hoàn, không muốn cho nó đi”.

Nét nghĩa này cũng xuất hiện trong văn học Việt Nam, cụ thể là Truyện Kiều: Thuý Kiều sau khi đã quyết định bán mình chuộc cha, nàng đã thức trắng đêm, lo lắng và suy nghĩ quẩn quanh trước khi trao duyên lại cho Thuý Vân:

“Nỗi riêng riêng những bàn hoàn,
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.”

Hay trong “Nhị độ mai”, khi nghe tin Mai Bá Cao được vua Đường triệu vời đi nhậm chức Gián nghị quan, hai mẹ con phu nhân đã ngồi kề cạnh và than thở với nhau:

“Phu nhân nửa lệ nửa buồn,
Đòi công tử lại mẹ con bàn hoàn.”

Tóm lại, “bàn hoàn” là từ viết đúng chính tả, thường được dùng trong văn chương và có nghĩa là “lo lắng”, “nghĩ quẩn quanh không dứt”.

  • Tháng Ba 18, 2023