Hằng Nga và Thường Nga có phải là một ?
Có phải Hằng Nga (vợ của Hậu Nghệ trong thần thoại Trung Hoa) còn có tên là Thường Nga hay không? Tại sao?
Vâng, Hằng Nga còn có tên là Thường Nga. Trước đời Hán Văn Đế (179 – 156 tr. CN), người ta vẫn gọi nàng tiên đã ăn cắp thuốc trường sinh này là Hằng Nga.
Nhưng từ đời Văn Đế nhà Hán thì do kỵ huý mà nàng đã được cải gọi là Thường Nga vì tiếng thứ nhất trong tên của nàng lại trùng tên huý của Văn Đế. Tên huý của ông vua này chả là Hằng Chữ viết tuy khác nhau nhưng cách phát âm lại là một, cho nên người ta đã phải tìm cách thay tiếng Hằng trong tên của nàng bằng một tiếng khác.
Người ta đã chọn cho tiếng hằng một từ đồng nghĩa là thường vì tiếng sau có chung với tiếng trước một nét nghĩa là “diễn ra hoặc tồn tại lâu dài trong thời gian”. Cứ theo từ nguyên, Hằng Nga hoặc Thường Nga đều có nghĩa là sắc đẹp vĩnh cửu hoặc người đẹp trường tồn (nga là người con gái đẹp hoặc sắc đẹp của người con gái).
Chính vì những lẽ trên mà Hằng Nga còn có tên Thường Nga. Trong tiếng Hán phổ thông hiện nay (tiếng Bắc Kinh) Thường Nga có xu hướng thông dụng hơn Hằng Nga chính cũng là do tục kỵ huý ngày xưa mà ra.