Tại sao mày ngài lại là ngoạ tàm my chứ không phải là nga my?
Nga my vốn được dịch là mày ngài, tại sao Nguyễn Du viết mày ngài để tả Từ Hải mà nhiều học giả lại giảng rằng đó là ngoạ tàm my, nghĩa là “mày tằm nằm” chứ không phải là nga my?
Các học giả và các nhà nghiên cứu đó giảng như thế là vì họ cho rằng nga my là lông mày dài, cong và đẹp, không thích hợp với tướng mạo của con nhà võ như Từ Hải, nhưng nhất là vì họ đã hiểu sai nghĩa của ba tiếng ngoạ tàm my.
Đào Duy Anh giảng rằng mày ngài là “lông mày rậm, tướng mạo của người trượng phu. Có lẽ theo câu “my nhược tàm” của sách tướng, có nghĩa là lông mày giống con tằm nằm” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr. 236 – 237,). Nguyễn Thạch Giang chú thích như sau: “Mày ngài do các chữ ngoạ tàm my: lông mày to đậm cong như con tằm, là tướng người anh hùng” (Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr. 450, c. 2167). Nguyễn Vinh Phúc viết: “Tất nhiên mày của Từ Hải không thể nào lại mảnh dẻ, cong, dài như nga my của các cô gái đẹp được. Và do đó mày ngài của Từ Hải phải hiểu là ngoạ tàm my là mày như con tằm, chứ không phải là nga my”(Quanh đôi lông mày, Ngôn ngữ, số 2, 1972, tr. 60 ). Còn Kiểu Thu Hoạch thì viết: “Trong Truyện Kiều có hai chỗ nói về Từ Hải mà cũng dùng chữ mày ngài. Nhưng chớ lầm! Đây là cái mày ngài “sâu róm” chớ không phải cái mày ngài của nàng Trang Khương (…) đó là tác giả muốn nói mày tằm, mày tắm nằm” Góp bàn về một bản Kiểu mới, Tạp chí Văn học, số 2 (146), 1974, tr. 68 )
Tiếc rằng các tác giả trên đây vì chỉ hiểu từ ngữ theo lối dịch từng tiếng một (ngoạ = nằm, tàm = tằm, my = mày) nên đã giảng sai hình ảnh mà người Trung Hoa muốn gửi gắm trong ba tiếng ngoạ tàm my. Ở đây, hai tiếng ngoạ tàm không hề có nghĩa là “(con) tằm nằm”, mà lại là một lối nói của tướng thuật, được Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn dưới vành mắt là ngoạ tàm. Lại nữa, lông mày cong mà đường nét thanh đẹp cũng gọi là ngoạ tàm my” (Tướng thuật gia dĩ nhãn khuông hạ văn vi ngoạ tàm. Hựu my loan nhi đái tú giả dịch xưng ngoạ tàm my). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng đúng hai tiếng ngoạ tàm là “lần xếp dưới mí mắt”, kèm theo ví dụ trích từ Truyện Trinh thử:
To đầu vú, cả dái tai,
Dày nơi ngư-vĩ, cao nơi ngoạ-tàm.
Nếu đối dịch từng tiếng một thì ngư vĩ sẽ là “đuôi cá Nhưng đây cũng lại là một lối nói của tướng thuật mà Từ nguyên giảng như sau: “Nhà tướng thuật gọi nếp nhăn ở khoé mắt là ngư vĩ” (Tướng thuật gia dĩ nhãn giác chi văn vi ngư vĩ). Xem thế đủ thấy lối đối dịch từng tiếng một nhiều khi tai hại biết chừng nào. Vậy ngoạ tàm my không hề có nghĩa là “mày tắm nằm” mà lại là lông mày cong và có đường nét thanh đẹp. Vương Vân Ngũ đại từ điển cũng giảng như thế, rằng đó là “lông mày cong mà đẹp” (my loan nhi tú – Xem ở chữ 7370).
Các tác giả trên đây muốn gạt bỏ hai tiếng nga my nhưng ngoạ tàm my lại đồng nghĩa với nga my vì cả hai cấu trúc đều có chung một nét nghĩa là “cong và đẹp”. Vậy mày ngài vẫn là nga my và đây chính là cái nét nho nhã duy nhất trong tướng mạo của Từ Hải râu hùm hàm én, đường đường một đấng anh hào, vai năm tấc rộng thân mười thước cao.