Ý nghĩa câu thành ngữ “Thiên La Địa Võng”

Share

Người xưa có câu “thiên la địa võng” để chỉ tình trạng cạm bẫy được giăng ở khắp nơi, khó lòng thoát được. “Thiên” là trời, “địa” là đất thì ai cũng hiểu. Nhưng còn “la” và “võng” thì sao? Liệu có thể đảo thành “thiên võng địa la” được không? Và “võng” ở đây có phải là cái võng dùng để ru con nít?

Thực chất, “thiên la địa võng” là một câu xuất xứ từ Trung Hoa, viết theo Hán tự là 天羅地網. Theo “Thành ngữ và điển tích trong thi văn Việt Nam” của Quách Văn Hoà, trang 445 thì “la” (羅) vốn để chỉ cái lưới đánh chim, còn “võng” (網) là lưới bẫy thú. Thiên la địa võng (天羅地網) là lưới giăng trên trời và bẫy dưới đất, tương ứng với chim và thú. Nếu đảo ngược lại thành “thiên võng địa la” sẽ không phù hợp. Tuy nhiên ngày nay nghĩa của những từ này đang bị mờ dần, người ta chỉ còn hiểu chung là “lưới” chứ không phân biệt như xưa. Bởi thế mới có từ “thiên võng” (天網), tức “lưới trời”.

Nói về “la” (羅), theo nhiều tài liệu thì đây cũng chính là chữ “là” trong “lụa là”, dùng để chỉ một loại vải dệt bằng tơ mỏng, mặc mát. Còn “võng” (網) sau này biến nghĩa thành cái võng để ru con nít. Chữ “võng” (網) này còn có một biến âm khác là “màng” như trong “màng nhện”, “màng nhĩ” mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài “bốn chữ màng”

(Minh Nhân)

  • Tháng Mười 9, 2020