Chín mùi hay chín muồi
Rất nhiều người cho rằng “chín mùi” là từ đúng bởi lẽ chữ “mùi” quen thuộc hơn “muồi”. Nếu dùng “mùi”, ta có thể giải thích đó là đối tượng của khứu giác rồi cắt nghĩa “chín mùi” là “chín và toả hương thơm”. Tuy nhiên, nếu như thế tại sao không dùng “chín hương” cho phù hợp với dụng ý tích cực, mà lại dùng “chín mùi”? Tuy “mùi” cũng bao gồm hương thơm, nhưng thường người ta sẽ hình dung đến nghĩa tiêu cực nhiều hơn, như nói “có mùi” không thôi thì ai cũng nghĩ đến mùi hôi cả. Vậy rõ ràng cách giải thích như trên là không phù hợp.
Thực tế, từ đúng phải là “chín muồi”. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: “muồi: chín quá. Chín muồi, muồi mẫn”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giải thích: “Thật chín, gần rụng. Mẹ già như trái chín muồi trên cây”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên bổ sung chi tiết hơn: “Chín muồi:
- (Quả cây) Rất chín, chín hết mức. Đu đủ chín muồi trên cây.
- Đạt đến mức phát triển đầy đủ nhất để có thể chuyển giai đoạn hay trạng thái. Điều kiện đã chín muồi”.
Như vậy “chín muồi” mới là chính xác. Theo các tài liệu trên thì từ này có hai nghĩa, nghĩa đen chỉ trạng thái rất chín của trái cây, nghĩa bóng chỉ sự phát triển đầy đủ đến mức có thể chuyển giai đoạn. “Chín mùi” là cách nói sai, bắt nguồi từ việc nhầm lẫn giữa phát âm “uôi” – “ui”, phổ biến nhất tại các tỉnh miền Nam.
(LTN)