Tiếng Hán có lối nói lái và có chơi chữ bằng lối nói lái hay không?
Tiếng Hán có lối nói lái như tiếng Việt hay không (thí dụ nói lái “đông tây” thành “đây tổng”)? Và người Trung Hoa có chơi chữ bằng lối nói lái hay không?
Trong bài “Nói lái trong tiếng Việt”(Ngôn ngữ, số 3, 1971, tr. 34 – 40 và 63), Lữ Huy Nguyên đã khẳng định rằng “tiếng Hán không có khả năng nói lái”. Đây là một điều sai lầm vì cấu trúc của âm tiết trong tiếng Hán, nhất là tiếng Hán cổ, đã cho nó một tiềm năng nói lái rất dồi dào. Chính tiềm năng này đã tạo ra cho âm vận học cổ điển Trung Hoa lối phiên thiết rất hữu hiệu để ghi âm chữ Hán trong các tự thư và vận thư.
Phiên thiết chính là dữ kiện để nói lái. Không đi sâu vào những nguyên tắc ghi phiên thiết và đọc phiên thiết, chúng tôi chỉ xin nói rằng, nói chung, người ta chỉ cần nói lái hai tiếng (ghi bằng hai chữ) dùng để phiên thiết rồi lấy tiếng thứ nhất đã lái được: âm của tiếng này chính là âm của chữ được phiên thiết.
Thí dụ chữ nhân 人 được phiên thiết thành như lân (Quảng vận, Đường vận) hoặc nhi lân (Tập vận, Vận hội, Chính vận). Nói lái thì như lân thành nhân lư, nhi lân thành nhân li. Nhân (tiếng thứ nhất đã lái được) chính là âm của chữ đang xét.
Người Trung Hoa cũng có chơi chữ bằng lối nói lái mà họ gọi là phiên ngữ. Một số nhà nghiên cứu của họ cũng đã có lưu tâm đến hiện tượng này, chẳng hạn Cổ Viêm Vũ trong thiên âm luận hoặc Lưu Phiến Toại trong Lục triều Đường đại phiên ngữ khảo, v.v.. Để dẫn chứng về lối chơi chữ này, xin nêu lên trường hợp của vua Tống Minh Đế (465 – 472) thời Nam Bắc Triều (420 – 589).
Tương truyền rằng đây là một ông vua tính hay ghét người. Vì ghét Viên Xán mà tên cũ là Viên Mẫn nên ông ta đã nói lái tên của ông này thành vẫn môn. Ý muốn nói ông này vấp cửa mà té ngã (vẫn là rơi từ trên xuống; môn là cửa). Xin chú ý là ở thời đó, viên được đọc gần như vươn, mẫn gần như mỡn, vẫn gần như vỡn và môn thì đọc gần như mươn.
Vậy Vươn Mỡn (nay là Viên Mẫn) nói lái thì thành vỡn mượn (nay là vẫn môn). Ông vua khó chịu đó cũng đã nói lái tên cũ của Lưu Thuyền là Lưu Thầm thành lâm thừu. Ý muốn nói rằng Lưu Thuyên rơi vào tình trạng bị thù ghét. Cũng xin chú ý rằng chữ thù (trong thù nghịch) đọc theo đúng âm Hán Việt chính thống hiện đại phải là thừu.
Vậy rõ ràng là tiếng Hán cũng có khả năng nói lái và người Trung Hoa cũng có chơi chữ bằng lối nói lái.