Tại sao lại nói “chim chuột” để chỉ chuyện trai gái ve vãn, tán tỉnh nhau .
Tại sao người ta lại ghép tên con chim (có cánh, đẻ trứng) với tên con chuột (có vú, đẻ con) thành tiếng đôi “chim chuột” để chỉ chuyện trai gái ve vãn, tán tỉnh nhau .
Hai con vật hữu quan, một con thuộc lớp chim, một con thuộc lớp có vú, tất nhiên không thể “tình tự” với nhau được. Đó là xét về sinh vật học. Còn xét về từ nguyên thì chim chuột cũng không phải là một tổ hợp được tạo ra theo qui tắc cấu tạo từ ghép đẳng lập của tiếng Việt. Nó chỉ là kết quả của một sự dịch nghĩa từ các thành tố của một địa danh Trung Hoa: Điểu Thử Đồng Huyệt (= Chim Chuột Cùng Hang), cũng gọi tắt là Điểu Thử (= Chim Chuột).
Đó là tên một ngọn núi trong dãy Tân Lĩnh, nằm ở phía Tây huyện Vị Nguyên, phủ Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Núi này có tên như thế là vì dân chúng ở địa phương đã quan sát được hiện tượng chim chuột ở cùng một hang. Giống chim đó có tên là đồ hoặc mộc nhi chu còn giống chuột đó có tên là đột hoặc ngột nhi thử. Sách Cam Túc chí chép: “Đất Lương Châu có con ngột nhi thử, giống như con chuột, có con chim tên là mộc nhi chu, giống như con sẻ, thường cùng con ngột nhi thử ở chung một hang. Đó chính là (chim) đồ (chuột) đột nhưng chỉ là tên xưa tên nay khác nhau mà thôi”. Vậy con mộc nhi chu, tức con chim đồ, chỉ là kẻ sống nhờ ở hang của con ngột “tình cảm” hoặc “tính dục” được. nhi thử, tức con chuột đột. Giữa chúng không thể có quan hệ .
Nhưng cháu mười hai đời của Khổng Tử là Khổng An Quốc, khi chú giải Kinh thư, đã giảng bốn tiếng Điểu Thử Đồng Huyệt như sau: “Chim (và) chuột cùng nhau làm (con) trống (con) mái (Chúng tôi nhấn mạnh – AC) cùng chung hang sống ở núi này, (vì vậy) mới gọi tên núi là Chim Chuột”. Từ xưa, đã có nhiều người cực lực bác bỏ cách giải thích này của họ Khổng, chẳng hạn như Đỗ Ngạn Đạt và Trương Án đều quả quyết rằng đó không phải là chuyện đực cái hoặc trống mái giữa chim và chuột.
Tuy nhiên nhà nho Việt Nam thì lại tin tưởng ở nhà chú giải họ Khổng. Khổng Tử là Đức Thánh thì Khổng An Quốc cháu ngài cũng phải là một quyền uy. Bậc quyền uy này đã giảng rằng “điểu thử đồng huyệt” là chuyện trống mái giữa chim và chuột thì việc nhà nho Việt Nam dịch hai tiếng điểu thử thành chim chuột để chỉ chuyện tán tỉnh, ve vãn giữa trai gái cũng là điều rất tự nhiên!