Lầu xanh và thanh lâu có phải là nơi ổ chứa ca kỹ như Nguyễn Du đã dùng trong Truyện Kiều ?
Trong bài “Đôi điều thu lượm quanh Hán tự” (Văn nghệ, số 43, 1992), Nguyễn Dậu có nói rằng Nguyễn Du đã dùng nhầm mấy tiếng lầu xanh và thanh lâu “khiến cho mấy chục triệu người Việt đều nghĩ rằng lầu xanh là nơi ổ chứa ca kỹ (gái điếm)”. Ông nói rõ rằng ở Trung Quốc, người ta không hề coi thanh lâu là ổ điếm mà lại hiểu đó là “nhà cao lầu của những người phú quý”. Vậy có đúng là Nguyễn Du đã nhầm hay không? Tác giả còn nói rằng do đọc sai mà “tất cả các nhà nho Việt Nam từ cổ đến giờ đều gọi hai cái hột của giống đực là dịch hoàn” nhưng “cả tỷ người Trung Hoa đều gọi là cao hoàn”. Có thật đúng như thế không?
Về hai tiếng thanh lâu, Từ hải đã giảng như sau: “1. Lầu Hưng Quang của Vũ Đế, bên trên sơn xanh, người đời gọi là thanh lâu (Vũ Đế Hưng Quang lâu, thượng thì thanh tất, thế nhân vị chi thanh lâu). 2. Chỉ lầu gác của nhà hào phủ (Vị hào gia chỉ lâu). 3. Chỉ lầu của người đẹp ở (Vị mỹ nhân sở cư chỉ lâu). 4. Chỉ nơi hành nghề của gái điếm (Vị kỹ viện dã)”. Vậy Nguyễn Du đã không nhầm vì cái nghĩa do Nguyễn Dậu nếu lên chỉ là một trong bốn nghĩa của hai tiếng thanh lâu mà thôi.
Còn chuyện “hai cái hột của giống đực” thì lại hoàn toàn đúng như Nguyễn Dậu đã nêu. Đó là trường hợp “tác đánh tộ, ngộ đánh quá” vì tự dạng của chữ dịch 睾 và chữ cao 高 rất giống nhau: chúng chỉ khác nhau ở nét phẩy / phía trên bên trái của chữ 睾 mà thôi. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đều phiên âm đúng chữ đang xét là cao và đều giảng cao hoàn là “ngoại thận = hòn dái” (Đào Duy Anh), “hòn dái” (Nguyễn Quốc Hùng), “hạt dái” (Thiều Chửu).
Trớ trêu là ngày nay hầu như không ai nói cao hoàn mà chỉ nói dịch hoàn. Hai tiếng này đã được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “hai hòn dái của đàn ông và của một số động vật giống đực”. Còn Từ điển tiếng Việt 1992 thì ghi: “dịch hoàn, d.x. tinh hoàn” mà tinh hoàn thì được giảng là “cơ quan sinh ra tế bào sinh dục đực”. Rõ ràng là dùng từ sai đấy nhưng chẳng biết có ai muốn sửa lại cho đúng hay không.