“Cứu khổ” và “cứu khổn”

Kinh Quán Thế Âm bồ tát cứu khổ
Share

Báo Tuổi trẻ ngày 8/10/2012 có bài viết nhan đề “Khát vọng cứu khổ phò nguy” của Hồng Hạnh. Sau đó, trên Tuổi trẻ ngày 15/10/2012, bạn đọc Vạn Lý cho rằng, cụm từ Hán Việt xưa nay đúng phải là “Cứu khổn phò nguy”. Nhưng một vị TS.PGS lại không đồng ý và cho rằng, nói “Cứu khổn phò nguy” thì “hầu hết độc giả không hiểu mà nếu muốn hiểu thì phải tra từ điển Hán Việt hay hỏi han những người hiểu biết” nên ông cho rằng, phải nói “Cứu khổ phò nguy” thì “đông đảo người Việt ngày nay mới cảm thấy dễ hiểu…” 

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn - Phật Giáo 01

“Khổn” là một biến thể ngữ âm của chữ “khốn” [困] trong phương ngữ miền Nam. “Cứu khổn (< khốn) phò nguy” [救困扶危] là một câu thành ngữ tiếng Hán, đã được dùng từ xưa trong tiếng Việt, mà người sử dụng đương nhiên cũng bao gồm cả đông đảo những người thất học – đây thực ra mới là tuyệt đại đa số trong xã hội ta thời xưa. Những người thất học thời xưa đã nói được như thế thì nay ta cũng không nên chủ trương rằng, vì “hầu hết độc giả không hiểu” mà phải đổi “Cứu khổn phò nguy” thành “Cứu khổ phò nguy”. Cái chữ “khổ” ở đây chỉ là hậu quả của từ nguyên dân gian mà thôi. Cái “mánh” của thứ từ nguyên này là trám cái thứ từ, ngữ mình đã biết vào chỗ của những từ, ngữ mình không biết để hiểu nội dung của lời nói hữu quan. Cái thí dụ điển hình, cực đoan của thứ từ nguyên vô lối này trong phương ngữ Nam Bộ là nó đã thay câu “Giáo đa thành oán” bằng bốn tiếng “Gáo tra dài cán”. Bởi vậy mới có câu chuyện hài được truyền tụng trên mạng:

“Người hay chữ kia, rủi có con vợ hư lắm, cùng chẳng đã, phải đánh mà nói rằng:

– Sự bất đắc dĩ tao mới đánh mày, chớ tao cũng biết là giáo đa thành oán (dạy nhiều sinh oán hận).

Có anh dốt kia nghe đặng, cũng về bắt vợ cúi xuống đánh mà nói rằng:

– Sự mất bát dĩa tao mới đánh mày, chớ tao cũng biết gáo tra dài cán”.

Than ôi! Nếu các nhà chuyên môn cứ chiều theo sự không biết – nghĩa là sự dốt nát của những “độc giả không hiểu” kia – thì ngôn ngữ còn ra làm sao?

IV. Lại bàn về chữ “Khổn”

Trên Báo Năng lượng Mới số 200 (1-3-2013), tại chuyên mục “Có thể bạn chưa biết”, có giảng về từ “khổn” trong câu “Cứu khổn phò nguy”. Nhưng trên blog PNH’s Site, tác giả PNH đã giảng chữ “khổn” là “cổng thành ngoài”, chứ không như Báo năng lượng đã giảng. Vậy xin có lời giải thích?

Kinh Quán Thế Âm bồ tát cứu khổ

Tại PNH’s Site, tác giả PNH đã viết:

“Tôi thử giở tất cả những quyển từ điển có trong tay, mấy quyển từ điển tiếng Việt, từ điển thành ngữ tục ngữ tiếng Việt, từ điển tầm nguyên, từ điển từ cổ, kể cả từ điển điển cố Trung Hoa… lạ thay chẳng thấy quyển sách nào nói về câu “Cứu khổn phò nguy” cả. Tôi chỉ thấy nói tới câu “Cứu khốn phò nguy”, chữ “khốn” dấu sắc, chứ không phải chữ “khổn” dấu hỏi và nghĩa của câu như chúng ta đã biết, đại khái là “cứu giúp ai đó qua lúc khốn cùng, hiểm nguy”. Riêng chữ “khổn” tôi chẳng thấy một quyển từ điển tiếng Việt nào giải nghĩa”.

PNH viết như trên còn chúng tôi thì đã khẳng định rành mạch trên Báo Năng lượng Mới số 199:

“Khổn” là một biến thể ngữ âm của chữ “khốn” [困] trong phương ngữ miền Nam. “Cứu khổn (< khốn) phò nguy” [救困扶危] là một câu thành ngữ tiếng Hán, đã được dùng từ xưa trong tiếng Việt […] Cái chữ “khổ” ở đây chỉ là hậu quả của từ nguyên dân gian mà thôi”.

Vậy nếu muốn hiểu được câu “Cứu khổn phò nguy”, ta phải tìm đến câu “Cứu khốn phò nguy” mà chữ Hán là [救困扶危]. Thế nhưng chẳng những không để ý rằng, ở đây “khổn” chỉ là biến thể ngữ âm của “khốn”, tác giả PNH còn chỉ dựa vào kiến thức chủ quan của mình mà khẳng định một cách võ đoán rằng “riêng chữ “khổn” tôi chẳng thấy một quyển từ điển tiếng Việt nào giải nghĩa”. Xin thưa rằng có đấy! Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng:

“困Khổn. c. Khốn khổ, đồng nghĩa với chữ khốn.

Khổn hại. Tai hại, họa hại.

Khổn bức. Làm bức, làm cho khốn khổ”.

Còn Dictionnaire annamite-franais của J.F.M. Génibrel thì cho:

“困Khổn. (Khốn). – Dormir de fatigue. – Khổn nhục, Misères, fpl. – Khổn khổ, Misères, peines, fpl. – Khổn phạp, Très fatigué. – Cùng khổn, Réduit à la misère. – Nhu khổn, Tristesse noire”.

Vậy chẳng những từ điển tiếng Việt (hoặc song ngữ Việt Pháp) có giải nghĩa chữ “khổn” mà riêng Huình-Tịnh Paulus Của lại còn nhắc ta rằng “chữ khổn đồng nghĩa với chữ khốn” nữa. Còn chúng tôi thì xin nhắc lại rằng, “khổn” là một biến thể ngữ âm của chữ “khốn” 困, đặc biệt là trong phương ngữ miền Nam. Trong phương ngữ này, có hai trường hợp điển hình mà thanh khứ (nay gồm thanh 5 [dấu sắc] và thanh 6 [dấu nặng]) đã chuyển thành thanh thượng (nay gồm thanh 3 [dấu ngã] và thanh 4 [dấu hỏi]) thì một là trường hợp đang xét (khốn > khổn). Hai là thụy hiệu của Thái hậu Từ Dụ

[慈裕] nhà Nguyễn mà dân trong Nam đã gọi “đều trời” là “Bà Từ Dũ”. Cho đến bây giờ thì cả “quân, dân, chính, đảng” khắp nước đều cứ phải gọi cái bệnh viện phụ sản ở góc đường Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh khai (TP HCM) là “Bệnh viện Từ Dũ” mặc dù trong tiếng Hán thì chữ [裕] chỉ có thanh khứ (= dụ)!

Xin nói thêm rằng, “khổn” và “khốn” còn có một điệp thức nữa là “khôn” (khác với “khôn” trong “khôn khéo”). Từ điển từ cổ của Vương Lộc (NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2001) giảng “khôn” là “khó có thể” còn Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San – Đinh Văn Thiện (NXB Văn hóa Thông tin, 2001) thì giảng là “khó”. Sau đây là mấy thí dụ: – Khôn biết lòng người ngắn dài (Nguyễn Trãi). – Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền (Chinh phụ ngâm). – Khóc than khôn xiết sự tình (Truyện Kiều). v.v…

Chẳng những không thấy được từ nguyên đích thực của chữ “khổn”, tác giả PNH con viết một cách táo bạo như sau:

“Nhưng trong quyển Từ điển Hán – Việt của Thiều Chửu có giải nghĩa khá rõ về chữ “khổn”, tôi chỉ lấy nghĩa có liên quan đến câu “Cứu khổn phò nguy”. “Khổn” ở đây có nghĩa là “cổng thành ngoài” […] không liên quan gì đến từ “khốn hay khổ” và câu này từ nguyên của nó đúng là “Cứu khổn phò nguy”. Chữ “khổn” ở đây liên quan mật thiết đến một chữ khác trong câu đứng ngay sau nó, đó là chữ “phò”. Như chúng ta đã biết, “phò” nghĩa là theo giúp vua, và thành ngữ “Cứu khổn phò nguy”, nghĩa hẹp ban đầu là cứu cổng thành ngoài để giúp vua qua cơn nguy ngập, chẳng hạn trường hợp nhà vua đang bị vây hãm trong thành. Còn nghĩa rộng như chúng ta cũng đã rõ, để chỉ việc cứu giúp một ai đó qua cơn nguy khốn…”.

Cái chữ “khổn” mà PNH lấy nghĩa từ quyển  từ điển của Thiều Chửu thì tự dạng là [閫] . Chữ này không bao giờ nằm trong thành ngữ “Cứu khổn phò nguy”. Mà chữ “phò” [扶] cũng tuyệt đối đâu có nghĩa là “theo giúp vua”, như PNH đã “nghĩ ra”! Người ta còn có thể “phò chính vị”, “phò chủ”, “phò giá triệu”, “phò quan (tài)”, “phò tang”, “phò săng”, v.v… Khi dân thích truyện Tàu hoặc dân khoái cải lương nói “Quan Công phò nhị tẩu” thì họ chỉ nói đến hai bà vợ của Lưu Bị là Cam Phu nhân và My Phu nhân chứ có nói đến ông vua nào đâu. Đơn giản là vì “phò” chỉ có nghĩa là “giúp đỡ”. Nếu không có bổ ngữ “vua” theo sau thì làm sao động từ “phò” có nghĩa là “theo giúp vua” cho được! Chẳng qua ở đây PNH đã “dàn cảnh” để có thể “trám” chữ “khổn” [閫] của mình vào câu thành ngữ đang xét cho trót lọt mà thôi. Đây thực ra chỉ là hành động “quấy rối văn bản” chứ câu *[救閫扶危]  (với chữ

[閫] của PNH) không bao giờ tồn tại trong tiếng Hán. PNH đã làm một việc trái cựa là mở từ điển ra tìm cho bằng được một chữ Hán có âm Hán Việt là “khổn” với một cái nghĩa hợp ý mình mà trám vào câu thành ngữ thay vì phải “lẩy” chữ “khổn” chính hình chính tự ra từ cái khung “Cứu khổn phò nguy” bằng chữ Hán để phân tích.

Còn cái nghĩa “cứu giúp một ai đó qua cơn nguy khốn” mà PNH gán cho cái câu với cái chữ do mình tưởng tượng thành *[救閫扶危] thì thực ra chính là của câu “Cứu khổn (< khốn) phò nguy” [救困扶危] mà Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997) giảng là: [救济扶助处于困顿危难中的人] (cứu tế phù trợ xử vu khốn đốn nguy nan trung đích nhân). Thì cũng chỉ là cái nghĩa “cứu giúp một ai đó qua cơn nguy khốn” chứ không phải là gì khác.

Tóm lại, chữ “khổn” [閫] của PNH không có chỗ đứng trong câu tục ngữ đang bàn vì ở đây, “khổn” chỉ là một điệp thức của chữ “khốn” [困] mà thôi. Gút lại,  nguyên văn chính xác của câu thành ngữ đang bàn trong tiếng Hán là [救困扶危], mà âm Hán Việt là “Cứu khốn phò nguy” còn trong Nam thì nó đã được phát âm thành “Cứu khổn phò nguy”.

  • Tháng Ba 2, 2023