Người Việt Nam có thật sự xem trọng tục thờ cúng tổ tiên?
Cứ mỗi dịp xuân sang, người người lại nô nức về quê để sum họp với gia đình bên mâm cơm cuối năm. Đêm 30, giao thừa đến, cả nhà quây quần bên bàn thờ tổ tiên và khấn nguyện những điều may mắn cho một năm mới rộn ràng hạnh phúc.
Trong suốt chiều dài phát triển văn hóa 4000 nghìn năm, những tín ngưỡng dân gian dường như đã thấm nhuần vào tâm thức người Việt.
Thuở bé, chúng ta được lớn lên trong những lời ru tiếng hát: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Chúng ta được bà dạy cách yêu gia đình, quê hương đất nước qua sự tích “Bánh chưng bánh giầy” hay lời khuyên bảo “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Người Việt Nam dù đi đâu về đâu vẫn không thay đổi tâm tính hướng về tổ tiên và tưởng niệm người đã khuất như một thói quen đã ăn sâu vào tâm tưởng.
Trong những ngày rộn ràng của năm mới sắp đến, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về nguồn gốc hình thành cũng như phương thức thể hiện tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Và liệu rằng chúng ta có thật sự xem trọng tục thờ cúng tổ tiên như bấy lâu nay mọi người vẫn nghĩ?
Bàn thờ gia tiên là nơi người Việt thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nguồn: Báo lao động
Người Việt Nam dù đi đâu về đâu vẫn không thay đổi tâm tính hướng về nguồn cội. Nguồn: muagioheomay.com
Từ bé chúng ta được lớn lên trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn: thietkegiapha.vn
“Vạn vật hữu linh”- con người, hồn và vía
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc hình thành của tục thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên có một quan điểm được hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa thừa nhận rằng tục lệ này bắt nguồn từ quan niệm tâm linh của con người với thế giới tự nhiên.
Chúng ta luôn tin rằng “vạn vật hữu linh” và thường sùng bái các đấng quyền năng như trời, đất, sông, rừng,… và gọi bằng thần. Chính quan niệm này dẫn đến việc con người dần nhận muốn thức rõ ràng giữa cái vô hình và cái hữu hình, về sợi dây ràng buộc giữa con người với thế giới tâm linh.
Nền tảng văn hóa xã hội người Việt luôn coi trọng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa những thế hệ trong gia đình. Nguồn: tailieuvan.net
Tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin “vạn vật hữu linh”, con người luôn tồn tại phần hồn và phần vía. Nguồn: VTC News
Lúc bấy giờ chúng ta luôn tin trong mỗi con người luôn tồn tại phần “hồn” và phần “vía”, rằng khi chết đi ta sẽ sống một cuộc đời khác ở thế giới bên kia. Cũng từ đó những người có quan hệ huyết thống sau khi qua đời sẽ được tưởng nhớ trên bàn thờ gia tiên.
Có thể nói những yếu tố tâm linh có tính bản địa đã được hợp thức hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ để tồn tại đến tận ngày hôm nay.
Quan niệm về tục thờ cúng tổ tiên
Theo Th.s Vũ Hoa Ngọc, đây là tục lệ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người có cùng huyết thống đã qua đời để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục.
“Đạo thờ cúng tổ tiên còn được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước”.
Hành động này thể hiện rõ ràng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vốn được lưu truyền qua bao đời nay. Họ tin rằng ông bà luôn dõi theo để phù hộ hoặc quở trách con cháu nếu có những việc làm trái lẽ phải và luân thường đạo lý.
Riêng trong nhà tôi, cứ mỗi dịp Tết đến mọi người lại quây quần bên chiếc bàn thờ, bày biện mâm ngủ quả rồi cùng nhau thắp hương. Lời cầu khẩn cho năm mới gặp nhiều thành công trong sự nghiệp, gia đạo bình an và khỏe mạnh là những điều mà tất cả con cháu khấn nguyện.
Ngoài thờ cúng người có cùng huyết thống, tục lệ này còn hướng đến những vị anh hùng có công với đất nước. Nguồn: Tuệ Đường
Bất kể tôn giào nào khi vào Việt Nam cũng phải hòa nhập với văn hóa thờ phượng người đã khuất. Nguồn: vietnamarchitecture
Có câu:
“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”
Có một điều đáng chú ý rằng bất kể tôn giáo nào khi đến Việt Nam cũng phải dung hòa với thứ tín ngưỡng đã cắm sâu vào tâm thức người Việt: tục thờ cúng tổ tiên. Chẳng thế mà chỉ có ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á, những người theo đạo Phật thường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Di Lặc bên cạnh bàn gia tiên. Nói như giáo sư Đào Duy Anh: “tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”.
Thờ cúng tổ tiên – sợi dây gắn chặt tình thân
Dù khác nhau ở mỗi vùng miền nhưng nhìn chung vẫn có một số quy tắc thờ cúng, chẳng hạn như việc bài trí trên bàn thờ của mỗi gia đình cũng không giống nhau, phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và điều kiện kinh tế của mỗi gia chủ.
Đồ lễ cũng không cần quy định chặt chẽ lắm nhưng phải thanh khiết và chưa được người sống sử dụng. Bàn thờ lúc nào cũng được ở vị trí cao nhất, tại nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà gia chủ.
Người Việt trong những dịp quan trọng đều khấn vái tổ tiên. Nguồn: 2Saigon
Người Việt Nam trong các sự kiện quan trọng như dựng vợ-gả chồng, thi cử, làm ăn đều cầu nguyện và khấn vái ông bà. Chiếc bàn thờ có thể nói đã trở thành một biểu tượng linh thiêng nhất của gia đình, là sợi dây gắn chặt tình thân và kết nối các thế hệ. Đâu phải tự nhiên mà truyền thống người Á Đông lại thường hướng về các lề xưa thói cũ với hệ giá trị cốt lỗi mà nhiều bậc tiền bối đã gầy dựng ngày trước.
Sợi dây gắn chặt tình thân với ông bà, cha mẹ chính là cơ sở vững chắc để tạo nên văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nguồn: Báo Mới
Còn nhớ ngày bé, thích nhất là những dịp giỗ- tết, chiếc bàn thờ lúc nào cũng trở nên sinh động và màu sắc hẳn lên. Bao nhiêu trái cây, quà bánh cứ thế chất chồng cùng làn khói nghi ngút hòa quyện vào nhau, sực nức và nồng nàn để tạo thành mùi hương của tuổi thơ và kí ức.
Lời kết
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có vị trí đặc biệt quan trọng với đời sống tinh thần của người Việt Nam. Dù xã hội giờ đã phát triển với sự hiện đại tân kỳ nhưng những gì là nguồn cội, gốc gác vẫn còn giữ nguyên giá trị. Và mỗi dịp xuân về lại mong thành trẻ con để được ngửi mùi khói bay trong không gian và hạnh phúc với niềm tin ngây ngô rằng ông bà đã về để cùng sum vầy ăn tết bên con cháu