Mã Tà hay đồn Mã Tà là gì?
Có vài ý kiến khác nhau về nghĩa của từ này. Có ý kiến phân biệt mã tà với ma tà. Theo đó, ma tà dùng để chỉ cảnh sát người Việt thời Pháp thuộc, theo phiên âm từ tiếng Mã Lai mata – mata. Còn mã tà dùng để gọi lính tác chiến người Việt trong đạo quân viễn chinh của Pháp ở Sài Gòn.
Để rộng đường tham khảo, chúng ta dựa vào sự kiện lịch sử sau:
Tháng 3/1861, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, hệ thống chính quyền của người Việt trong vùng Pháp chiếm tan rã hoàn toàn. Để giữ đất và coi dân, phó đô đốc Charner phải bổ nhiệm một số sĩ quan Pháp vào các chức vụ giám đốc/thanh tra bản xứ sự vụ (directeur/inspecteur des affaires indigènes). Các phủ huyện người Tây này được toàn quyền hành động để tái lập và vận hành trở lại hệ thống chính quyền trong vùng đất mình chịu trách nhiệm: sửa sang công đường, xét xử các vụ kiện cáo, chỉ định người coi làng xã, lập sổ thuế, đăng bộ ghe thuyền, quản lý Hoa kiều, tổ chức lại hệ thống ngựa trạm.
Các đồn binh Pháp có nhiệm vụ yểm trợ cho chính quyền mới. Tuy nhiên các quan bản xứ sự vụ chủ yếu phải dựa vào lực lượng cảnh sát gọi là mata (corps de police des matas) do chính họ tuyển mộ trong số những người Việt chịu ra cộng tác. Lính mata thuộc quyền chỉ huy, điều động của các quan cai trị người Tây chỉ làm công việc cảnh sát tại địa phương, cụ thể là canh gác nhà tù, bảo vệ công sở, quản lý trị an, để quân viễn chinh rảnh tay tổ chức các chiến dịch quân sự.
Như vậy, mã tà (hay ma tà) khởi thủy là tên dùng để chỉ cảnh sát người Việt được điều động bởi các quan cai trị người Tây.
Năm 1880 lực lượng mata được cải danh thành garde civile (tiếng Việt dịch là bảo an đoàn, nhưng dân gian (người Việt) vẫn gọi thứ lính đó là mã tà(1). Lúc này có thể dạng ma tà đã xuất hiện rồi: từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của Paulus không ghi mã tà mà chỉ có ma tà và giải thích là lính canh tuần.
Chú thích
(1) Có khoảng 1800 người bản xứ làm mata cho Tây.