Tại sao lại gọi là đường “xá”, phố “xá”

Share

Phố và xá trong phố xá cũng đều là những từ Hán Việt. Phố ở đây có một nét nghĩa là “cửa hàng buôn bán”; xá có một nét nghĩa là “quán trọ, nhà ở”. … Về sau, tổ hợp này được dùng để gọi chung cho các dãy phố (vì là nơi tập trung nhiều cửa hàng, quán trọ).

Xá có nghĩa gốc là nhà, trong quá trình chuyển nghĩa lại có thêm các nghĩa sau đây:

• Những người trong nhà
• Những người trong họ
• Làng ấp

Tập quán lấy họ để đặt tên cho làng xã xuất hiện từ thế kỷ 10 tại nước ta.

Theo các tác giả Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Đức Nghinh trong cuốn “Lịch sử Việt Nam” xuất bản năm 1970 thì từ xá gắn với tên làng, xuất xứ như sau: bên cạnh các làng cũ thành lập từ lâu đời, có một số làng mới của người Trung Quốc ngụ cư, của một vài họ lớn hoặc là làng đã phong kiến hóa của một địa chủ kiêm quan lại nào đó. Các làng sau này thường lấy ngay họ khai sáng hay họ lớn nhất làm tên gọi như Ngô xá, Dương xá, Lệ xá, Bùi xá, …

Một số điển hình có thể kể ra như quê của Dương Đình Nghệ – người đặt nền tự chủ cho dân tộc ta vốn ở làng Dương xá, Thiệu Hoá, Thanh Hoá, quê của Nguyễn Kiều – chồng của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở làng Phú xá, huyện Từ Liêm (Hà Nội) hay như quê của trạng Bùng Phùng Khắc Khoan quê ở làng Phùng xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây ….

====

Sá trong đường sá là một từ Hán Việt, có nghĩa là “đường đi hiểm trở”. Còn đường cũng là một từ gốc Hán, có một trong các nét nghĩa là “lối đi trong đình viện” (do đó thường đẹp, dễ đi). Đường (lối đi thuận lợi) kết hợp với sá (lối đi hiểm trở) tạo thành tổ hợp đường sá chỉ các lối đi nói chung.

Phố và xá trong phố xá cũng đều là những từ Hán Việt. Phố ở đây có một nét nghĩa là “cửa hàng buôn bán”; xá có một nét nghĩa là “quán trọ, nhà ở”. Ban đầu, phố xá được dùng để chỉ những dãy cửa hàng, quán trọ ở sát nhau. Về sau, tổ hợp này được dùng để gọi chung cho các dãy phố (vì là nơi tập trung nhiều cửa hàng, quán trọ).

Như vậy, đường sá và phố xá đều là những từ ghép đẳng lập mà trong đó, hai yếu tố tạo thành của mỗi từ đều có nghĩa. Và vì hai yếu tố này đẳng lập nên ý nghĩa của tổ hợp do chúng tạo thành khái quát hơn tổng ý nghĩa của từng yếu tố cộng lại (cũng như ý nghĩa của áo quần khái quát hơn của áo + quần, ý nghĩa của hơn thua khái quát hơn của hơn + thua). Cho nên, khi dùng các từ đường sá, phố xá là ta đã hướng tới mục đích nói khái quát (không ai nói đường sá An Dương Vương, phố xá Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn).

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ sá trong đường sá và xá trong phố xá là những yếu tố không có/mờ nghĩa, cũng như búa trong chợ búa, qué trong gà qué, pheo trong tre pheo (những búa, qué, pheo này chưa hẳn không có nghĩa). Thật ra, chúng vẫn có nghĩa rất cụ thể. Chỉ có điều, trong tiếng Việt hiện đại, những hình vị (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa) này chưa thành từ, do đó không hoạt động độc lập được như từ mà thôi.

  • Tháng Bảy 12, 2020