Đào Nguyên và Thiên Thai là chốn nào?

Bí mật chưa từng hé lộ ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau - Báo ...
Share

Chào mừng đón hỏi dò la,
ĐÀO NGUYÊN lạc lối đâu mà đến đây ?

Đó là hai câu trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên đến báo mộng. Vì là một hồn ma, nên “sen vàng lãng đãng như gần như xa” làm cho Thúy Kiều lầm tưởng không biết là tiên ở chốn nào đi lạc đến đây. Thật ra thì ĐÀO NGUYÊN là nơi có cảnh trí yên lành đẹp đẽ và người dân nơi đó hiền lành hòa ái, sống hòa đồng với nhau một cách vui vẻ, không tham lam đấu đá, tranh danh đoạt lợi như thế giới bên ngoài, chớ không phải là cảnh tiên gì cả, theo ĐÀO HOA NGUYÊN KÝ của Đào Uyên Minh thì:

Năm Thái Nguyên của Hiếu Võ Đế đời Đông Tấn, có một người ở đất Võ Lăng, làm nghề đánh cá độ nhật. Một hôm, ông ngược theo dòng sông đi về phía đầu nguồn. Không biết đi được bao lâu, bỗng thấy hai bên bờ sông toàn là rừng hoa đào ngào ngạt hương thơm trên những thảm cỏ xanh bát ngát. Ông rất ngạc nhiên nên quyết định đi cho đến cuối rừng đào.

Khi đến đầu nguồn là một tòa núi lớn, nguồn nước từ trong hang núi chảy ra, và có ánh sáng thấp thoáng ở phía bên kia hang động. Ông bèn bỏ thuyền, men theo hang động mà đi độ vài mươi bước, thì thấy hang động mỗi lúc một rộng ra và sáng hơn lên. Khi ra đến bên ngoài thì như là lạc vào một thế giới khác. Đất lành đường rộng, ruộng lúa phì nhiêu, nhà cửa khang trang sạch sẽ. Gái trai già trẻ ăn mặc tươm tất chỉnh tề, gặp nhau chào hỏi cười nói vui vẻ.

NamMai 1: Nhạc - Thơ Văn Tiếng sáo mộng du

Họ trông thấy người đánh cá khác hơn những người trong thôn, đều rất ngạc nhiên mà đến thăm hỏi đủ điều. Rồi thay phiên nhau mời về nhà mà đãi đằng cơm nước. Họ kể cho người đánh cá biết rằng : Tổ tiên của họ vì muốn lánh chiến tranh loạn lạc của đời Tần mà dắt díu nhau tìm đến chốn nầy để lánh nạn. Thấy đây là mảnh đất lành yên ổn nên định cư và cắt đứt luôn liên lạc với người bên ngoài đã nhiều đời nay rồi. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là triều đại nào, họ không biết gì đến nhà Đông Hán Tây Hán gì cả, đừng nói chi đến đời Ngụy đời Tấn.

Người đánh cá bèn kể lại diễn tiến của mấy trăm năm lịch sử cho họ nghe. Mọi người đều tỏ ra rất cảm khái. Họ thay phiên nhau chiêu đãi để nghe người đánh cá kể chuyên bên ngoài đời. Được mấy hôm, người đánh cá bèn từ biệt ra về. Người trong thôn Đào Nguyên đều căn dặn là đừng nói sự hiện diện của họ cho người bên ngoài biết.

Bí mật chưa từng hé lộ ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau - Báo ...

Ra khỏi Đào Nguyên, người đánh cá bèn men theo đường cũ mà ra về, mỗi khi đến đoạn sông uốn khúc hay ngã rẽ đều dừng lại để đánh dấu. Khi đã đến huyện thành, bèn vào yết kiến Thái Thú nơi đó mà trình báo mọi việc. Quan Thái Thú bèn phái người theo ông ta lần theo những dấu hiệu mà ông ta đã đánh để đi tìm. Nhưng rốt cuộc vẫn bị lạc đường không sao tìm ra lối vào Đào Nguyên nữa.

Có người tên Lưu Tử Ký ở quận Nam Dương, là một người thanh cao thoát tục, nghe được chuyện nầy, bèn dự tính tìm cách để đến cho được Đào Nguyên, nhưng không thành. Ít lâu sau thì bị bệnh mà chết. Từ đó về sau không còn có người hỏi đến chuyện Đào Hoa Nguyên nữa.

ĐÀO NGUYÊN là thế đấy, chỉ là một làng quê yên lành với đời sống mộc mạc không đòi hỏi cao sang, không tranh danh đoạt lợi… Nhưng đối với thế giới bên ngoài đầy lòng tham lam, nhiểu nhương, chiến tranh, chết chóc… thì đây quả thật là cảnh tiên mà mọi người dân hằng ao ước ! Trong văn học văn chương thi vị và lý tưởng hóa ĐÀO NGUYÊN thành một nơi như là Thiên Thai Tiên Cảnh. Nên trong bản nhạc THIÊN THAI, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời nhạc mở đầu cho bài hát là :

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng…
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên…

Lời nhạc đã viết Sai mà… Đúng. Sai vì Lưu Thần Nguyễn Triệu đi lạc vào THIÊN THAI chớ không phải lạc vào ĐÀO NGUYÊN. Đúng vì trong tâm tưởng của quần chúng nhân dân qua văn chương thì THIÊN THAI hay ĐÀO NGUYÊN gì thì cũng như nhau mà thôi, vì đều cùng là chỗ Tiên ở, chỗ ở lý tưởng mà mọi người hằng ao ước ! Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn thi vị hóa THIÊN THAI là chỗ ở của người yêu, là chỗ ở của Kim Trọng, khi Thúy Kiều ” Lần theo núi giả đi vòng, cuối tường dường có nẻo thông mới rào “, nên Thúy Kiều mới :

Xắn tay mở khóa động ĐÀO,
Rẽ mây trông tỏ lối vào THIÊN THAI !

Khi đã yêu thì con gái cũng bạo như con trai vậy !

Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄)chép rằng:

Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế ( Công nguyên năm 62 ), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay ) là LƯU THẦN 劉晨 và NGUYỄN TRIỆU 阮肇 vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ.

Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẳn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : ” Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ? ” Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẳn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẳn , tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị.

Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên tử trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !…

Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp…như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử Qui gọi Xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nỡ rời xa !…

Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng : Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi !. Hai người đành quay trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa !

Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN LẠC THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất. Nhất là các câu :

不知此地歸何處, Bất tri thử địa quy hà xứ ?
須就桃源問主人。 Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.

Có nghĩa:

Chẳng biết nơi đây về đâu nhỉ?
Tìm đến Đào Nguyên hỏi chủ nhân.

hay như:

花留洞口應長在, Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
水到人間定不回。 Thủy đáo nhân gian định bất hồi.

Có nghĩa:

Hoa trước động luôn sầu mong nhớ,
Nước xuôi dòng biết thuở nào về,

hay như câu:

桃花流水依然在, Đào hoa lưu thủy y nhiên tại,
不見當時勸酒人。 Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.

Có nghĩa:

Hoa đào nước cuốn như xưa,
Đâu người chuốc rượu tiễn đưa dạo nào !?

Trong truyện Nôm Nữ Tú Tài, sau khi biết Tuấn Khanh là nữ, tên là Phi Nga thì:

Soạn Chi nghe nói tỏ tường,
Khác nào Lưu, Nguyễn gặp nàng tiên nhân.

ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI đều là những nơi có thật, được người đời lý tưởng và thần tiên hóa thành những chỗ ở của thần tiên, để so sánh với cỏi đời thật đang diễn ra trước mắt một cách xô bồ xô bộn. Trong thực tế, nếu ta chịu an phận thủ thường, chấp nhận thực tại là hạnh phúc, thì nơi đâu cũng là Đào Nguyên và Thiên Thai cả !

  • Tháng Bảy 29, 2020