Nguyên nhân quan lại thời xưa được xưng là “Quan phụ mẫu”

Share

Ngày nay, chúng ta vẫn còn được nghe đến cụm từ “Quan phụ mẫu”. Vậy nguồn gốc ra đời và hàm nghĩa, ý nghĩa của Quan phụ mẫu là gì? 

Quan phụ mẫu
(Hình minh họa: Qua Chinese.efreenews.com)

Theo sách sử ghi lại, Cao Khải triều nhà Minh trong “Thư bác kê giả sự” đã viết: “Vu khứ hiền sứ quân, viên nhân thất phụ mẫu” (vu cáo hãm hại sứ quân tài đức khiến cho dân chúng mất đi cha mẹ), trong “Thủy Hử truyện. Hồi 24” cũng viết: “Khủng nhật hậu phụ mẫu quan vấn thì…” (e rằng sau này khi quan phụ mẫu hỏi…. Trong “Trì bắc ngẫu đàm. Đàm dị thất. Tằng tổ phụ mẫu”, Vương Sĩ Trinh triều nhà Thanh cũng viết: “Kim hương quan, xưng châu huyền quan viết phụ mẫu” (Quan châu huyện ngày nay được xưng là cha mẹ). Những lời này đều là nói quan lại địa phương được xưng là quan phụ mẫu.

Điển cố về nguồn gốc của từ “Quan phụ mẫu”

Trong “Hán Thư” ghi rằng: Triệu Tín Thần là người Thọ Xuân, Cửu Giang, thời Tây Hán. Thời Tây Hán Nguyên Đế, khi đang đảm nhận chức vụ quan Thái thú ở Nam Dương, ông đã cho khởi công xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giáo dục cảm hóa dân chúng, khuyến khích canh tác nông nghiệp, đề xướng tiết kiệm khiến Nam Dương bấy giờ trở thành quận lớn giàu có và đông đúc. Ông coi dân như con. Người dân Nam Dương vô cùng cảm kích trước đức hạnh và tấm lòng của ông nên gọi ông là cha “Triệu phụ”.

Đến thời Đông Hán Quang Võ Đế, người dân Nam Dương lại nghênh đón một vị Thái thú ân cần chính trực tên là Đỗ Thi. Theo “Hậu Hán thư. Đỗ Thi truyện” ghi lại: Đỗ Thi là người sống giản dị, thi hành các biện pháp chính trị một cách công bằng và thanh liêm. Ông cho giảm bớt lao dịch và thuế má, còn khuyến khích người dân khai hoang canh tác, xây dựng hệ thống thủy lợi, đúc nông cụ… giúp cho năng suất lao động của người dân được nâng cao và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, nhà nhà có cơm ăn áo mặc đầy đủ. Thời ấy, dân chúng đều xem ông như “Triệu phụ” thứ hai.

Bởi vì người dân Nam Dương ghi nhớ sâu sắc công lao của Triệu Tín Thần và Đỗ Thi nên đã xây dựng nhà thờ để làm nơi tưởng niệm hai ông. Đồng thời dân chúng đều ca ngợi hai ông là “Trước có Triệu phụ, sau có Đỗ mẫu”. Lúc này, từ “phụ mẫu” (cha mẹ) đã mang hàm ý chỉ quan lại địa phương và cũng là hình thức ban đầu nhất của từ “Quan phụ mẫu”.

Tới thời Tống, quan lại của các châu, huyện bắt đầu được xưng là “Quan phụ mẫu”. Loại xưng hô này được ghi lại trong văn hiến, trong thơ ca và được sử dụng thịnh hành vào thời nhà Minh và Thanh.

“Quan phụ mẫu” là cha mẹ là chỉ người thân cận với dân nhất, làm việc công chính liêm minh, vì dân, che chở và lo cho dân nhất. Nếu không làm được như vậy là đã trái với Thiên ý, khiến lòng dân căm hờn và ắt sẽ bị Trời trừng phạt. Cổ nhân nói: “Mất thiên hạ là bởi vì mất dân. Mất dân là bởi vì mất lòng dân. Được lòng dân thì được thiên hạ. Điều dân muốn thì hãy làm cho đầy đủ, điều dân ghét thì đừng đem đến cho dân”. Đây là bài học được lưu truyền nhiều đời và vẫn còn tác dụng to lớn cho đến ngày nay.

Vậy vì sao thời xưa, quan lại được xưng là “Quan phụ mẫu”?

(Hình ảnh qua Read01)

Văn hóa truyền thống Trung Hoa được xưng là văn hóa Thần truyền (văn hóa do Thần truyền cấp cho nhân loại), hay còn được gọi là nền văn hóa bán Thần (nửa Thần). Cổ nhân cho rằng quyền hành của Vua là thiên bẩm (trời cho). Bậc Đế Vương nhờ Thiên mệnh mà có được thiên hạ, cho nên Đế Vương là con của Thượng Thiên và được xưng là “Thiên tử”. Trong “Bạch hổ thông. Quyển nhất” có viết: “Vương giả phụ thiên mẫu địa, vi thiên chi tử dã”, ý nói Vua có cha mẹ là Trời và Đất, hay cũng được gọi là con của Trời.

Bởi vậy, Thiên tử phải chiểu theo Thiên ý (ý trời) mà làm việc, lấy Đức để cai trị thiên hạ, phải đối xử tốt với dân chúng, yêu dân như con, vui với niềm vui của dân, buồn với nỗi buồn của dân. Ngược lại, người dân phải tôn kính bậc Quân Vương giống như tôn kính cha mẹ mình. Giống như trong “Tả truyện. Tương Công thập tứ niên” viết: “Dưỡng dân như tử, cái chi như thiên, dung chi như địa, dân phụng kì quân, ái chi như phụ mẫu” (nuôi dân như con, che chở dân như trời, dung nạp dân như đất, dân kính trọng Quân Vương, yêu thương như cha mẹ).

Bởi vì Thiên tử giống như cha mẹ của vạn dân nên thiên hạ tự nhiên cũng trở thành một gia đình. Mà lệnh của Thiên tử đến quan lại địa phương là thể hiện ý chỉ của Thiên tử. Cho nên, quan lại địa phương và dân chúng trong địa phương cũng hình thành nên một mối quan hệ cha mẹ, con cái. Loại văn hóa truyền thống này thời xưa là xuyên suốt và dân chúng, quan lại đều tự nhiên hình thành sự ràng buộc như vậy.

  • Tháng Tám 21, 2020