Nghĩa của “vóc” trong “ăn vóc học hay”

Share

Trên Hồn Việt số 65 (tháng 12/2012), ông Nguyễn Quảng Tuân có trả lời độc giả Ba Bụt (Cao Lãnh, Đồng Tháp) về câu “Ăn vóc học hay”. Thực ra thì chẳng có gì mới lạ vì ông Tuân chỉ dẫn lại ý kiến của người khác, trong đó có cả ông An Chi. Nhưng, để kết luận, ông Tuân cũng đã nói rõ là mình tán thành cách giải thích của GS Phan Ngọc trong quyển “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học” mà tôi nhớ là ông An Chi đã có phê phán tại “Chuyện Đông chuyện Tây” trước đây. Vậy lần này ý ông thế nào, thưa ông? 

Mở đầu câu trả lời trên Hồn Việt số 65, ông Nguyễn Quảng Tuân viết: “Chúng tôi nhận thấy các câu tục ngữ của ta thường dễ hiểu, không mấy khi cầu kỳ nên không cần phải truy tìm theo ngữ nghĩa khó khăn làm gì cho nhiễu sự”. Ông Tuân viết như thế còn chúng tôi e là, ở đây, vì suy nghĩ chưa “chín” nên ông mới dùng hai tiếng “nhiễu sự”. Chứ nếu không nhiễu sự thì làm sao có thể cải chính rằng “trăm” trong câu “Trăm hay không bằng tay quen”, chẳng hạn, lại có nghĩa là “nói nhiều”, “nói líu lo”, chứ không phải “mười chục”? Nhiễu sơ bộ, ta sẽ thấy “Đại Nam quấc âm tự vị” (tome II, 1896) của Huình-Tịnh Paulus Của giảng “trăm” là “nói trết trác, líu lo”. Nhiễu lần hai, ta sẽ thấy “Việt Nam tự điển” của Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) giảng là “nói líu-lo, dấp-dính”. Nhiễu lần ba với Việt Nam tự điển của Lê văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970), ta sẽ thấy đó là “nói lăn-líu và tía-lia”. Nhiễu lần thứ tư để “tóm lại”, ta sẽ thấy với “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương (NXB Tổng hợp TP HCM, 2010) thì “Trăm hay không bằng tay quen” có nghĩa là “Nói hay thường chẳng mang lại nhiều hiệu quả bằng quen làm”. Hàm nghĩa đích thực của câu này là như thế chứ làm sao mà “một trăm cái hay” lại không bằng được cái “tay quen”? Chỉ một thí dụ này thôi đã đủ để khẳng định rằng “nhiễu sự” là chuyện tất yếu trong nghiên cứu văn học. Và, như chúng tôi cũng đã có lần nhắn nhủ với ông Nguyễn Quảng Tuân: “Thậm chí có nhà ngữ học còn nói rằng, nếu không biết tí ti gì về ngữ học thì tốt nhất là chớ nên làm văn học”. Nhưng vui nhất là, ở đây, chính ông Nguyễn Quảng Tuân cũng lại theo ý kiến của một tác giả đã nhiễu sự ngay từ cái tên sách của mình: Phan Ngọc với cuốn “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học”.

Trong bài của mình, ông Nguyễn Quảng Tuân đã dẫn năm nguồn: – Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Nà Nội, 1989); – Ý kiến của An Chi trên Kiến thức Ngày nay số 194 (10-12-1995); – Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994); – Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ; – Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học của Phan Ngọc (NXB Trẻ, TP HCM, 1995). Ông Nguyễn Quảng Tuân tán thành cách hiểu của Phan Ngọc mà ông cho là “hợp nghĩa hơn cả”. Chúng tôi chỉ tiếc rằng ý kiến này của ông Phan Ngọc đã bị An Chi bác bỏ ngay trên Kiến thức Ngày nay số 194.

Ông Nguyễn Quảng Tuân đã đọc số này nhưng lại làm lơ trước những lời phản biện của An Chi. Thế là không trung thực, trước nhất là với bạn đọc Ba Bụt mà ông có trách nhiệm trả lời. Ông Tuân làm như thế thì bạn đọc Ba Bụt và nhiều bạn đọc khác hoàn toàn có thể tưởng rằng, ý kiến của ông Phan Ngọc mà ông Tuân chấp nhận đã là một ý kiến đứng vững như kiềng ba chân, chưa bị ai phê phán. Đằng này, An Chi đã phân tích rất kỹ về nó cho nên, nếu làm đúng theo phong cách học thuật thì, để thừa nhận ý kiến của Phan Ngọc, trước hết ông Tuân cần bài bác những lời phản biện của An Chi, chứ không thể chỉ khẳng định suông như thế.

Lần này, chúng tôi xin nêu thêm một số ý kiến phê bình cách lý giải của bác ngữ học gia Phan Ngọc, đồng thời nói rõ thêm ý kiến của mình về từ “vóc” để nếu cần thì ông Nguyễn Quảng Tuân sẽ phản biện luôn thể.

Phan Ngọc viết:

“Thí dụ, ta muốn giải mã thành ngữ “Ăn vóc học hay”. Kiến trúc “Ăn vóc” sẽ có quan hệ ngữ pháp hệt như “học hay”. Nhưng kiến trúc “Vị-Bổ” chỉ áp dụng cho “Ăn vóc” mà không thể nào áp dụng cho “Học hay” được. Kiến trúc “Vị-Trạng” có thể áp dụng cho “Học hay” nhưng lại không thể nào áp dụng cho “Ăn vóc” được. Cứ như thế, cuối cùng ta phải đến kiến trúc “Vị-Vị”. Nói khác đi, trong thành ngữ này cả bốn chữ đều là vị ngữ cả, một điều không thể thấy ở trong ngữ pháp của ngôn ngữ thông thường. Mà khi đã giải mã ngữ pháp này rồi thì câu này có nghĩa như sau: Phải ăn thì mới có vóc (thân hình to lớn), phải học thì mới tài giỏi được”. (“Câu đối, nội dung của nó”, trong “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học”, NXB Trẻ, TP HCM, 1995, tr. 90).

Cái sai đầu tiên và căn bản của Phan Ngọc đập ngay vào mắt – rất tiếc là ông Nguyễn Quảng Tuân lại không thấy! – là bác ngữ học gia này đã không phân biệt được thành ngữ với tục ngữ. Thành ngữ chưa phải là câu – nên nó chẳng làm gì có vị ngữ – còn tục ngữ thì đã là câu. Đây là tiêu chí quyết định sự phân biệt giữa thành ngữ và tục ngữ. Thế nhưng, trong “Ăn vóc học hay”, mà ông cho là “thành ngữ”, thì bác ngữ học gia của chúng ta đã thấy đến bốn vị ngữ. Chắc là nhiều phần vì thế nên ông đã giảng nó như là một câu tục ngữ mà hàm nghĩa là: “Phải ăn thì mới có vóc (thân hình to lớn), phải học thì mới tài giỏi được”. Vậy, nếu tác giả Phan Ngọc muốn hiểu câu trên đây theo nghĩa này thì ông phải gọi nó là tục ngữ. Thực ra, chẳng phải một mình Phan Ngọc mà một số tác giả khác cũng hiểu câu trên đây theo hướng đó. Nhưng cách hiểu này lại mâu thuẫn với lý thuyết chung về tiểu đối mà chính Phan Ngọc cũng đã nêu ra:

“Cha ông ta không phân biệt từ loại như chúng ta, nhưng chia từ thành nặng, nhẹ (…) Đối xứng theo nặng nhẹ tức là nặng đối với nặng chứ không đối với nhẹ (…) Thực hay nặng tương đương với danh từ và đại từ nhân xưng (…) Bán thực hay hơi nặng tương đương với động từ và tính từ (…) Cha ông ta phân biệt rành mạch danh từ với động từ, nhưng lại không phân biệt động từ với tính từ đơn tiết” (Bđd, tr.93).

Từ lời lẽ trên đây của Phan Ngọc mà suy ra thì động từ và tính từ hợp thành lớp bán thực từ, phân biệt hẳn với danh từ thuộc lớp thực từ. Hai lớp này không thể đối với nhau. Điều này đúng với truyền thống nghệ thuật đối xưa nay là chưa từng có câu đối chỉnh nào, càng không có câu đối hay nào, mà danh từ của câu này lại đối với tính từ của câu kia. Vậy làm thế nào mà “vóc” trong “ăn vóc học hay” có thể là danh từ trong khi, đối lại với nó, “hay” lại là một tính từ? Chính vì thấy chỗ bất hợp lý của việc xem “vóc” là danh từ cho nên Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học mới khẳng định rằng, đó là một tính từ (nhưng lại không thỏa đáng trong việc “đoán nghĩa” của nó).

Còn trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam thì Nguyễn Lân cũng mặc nhận rằng “vóc” là tính từ (nên mới giảng nghĩa là “ít”). Phan Ngọc thì nói hiển ngôn rằng “vóc” là một thành tố trong các từ ghép đẳng lập: sức vóc, vóc dáng, tầm vóc, v.v… và đã chú nghĩa cho nó ở đây là “thân hình to lớn”. Khổ thay, danh từ “vóc” mà đối với tính từ “hay” là một sự què quặt buồn cười và lạc lõng giữa cái rừng thành ngữ đầy ắp những vế tiểu đối chọi nhau chan chát về thanh điệu, ngữ nghĩa và từ loại. “Vóc” đã được sinh ra từ một cái khuôn dành cho tính từ thì ta nỡ nào xén, gọt cho nó thành danh từ! Cứ làm như, để diễn đạt cái ý mà Phan Ngọc và một số tác giả khác muốn hiểu, cha ông ta ngày xưa đã không thể nói “Ăn khỏe; học hay”; “Ăn mạnh; học hay”; “Ăn giỏi; học hay”; v.v… biết rằng ngày xưa thì “khỏe”, “mạnh, “giỏi” đều là những từ đồng nghĩa (Trong Nam, “mạnh giỏi” có nghĩa là “có sức khỏe tốt”). Tội tình gì phải lôi cổ danh từ “vóc” mà nhốt nó vào cái khung “ĐT1 – TT1 ; ĐT2 – TT2” (ĐT = động từ; TT = tính từ) mà bắt nó đứng ở vị trí TT1!

Với chúng tôi thì vóc là tính từ và đây là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một nguyên từ ghi bằng chữ [郁]  mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “úc” nhưng âm thư tịch lại là “vúc” (về lý thuyết còn có thể đọc là “vốc” nữa) vì thiết âm của nó là “vu cúc thiết, ốc vận” [紆菊切屋韻], như đã cho trong Từ nguyên bộ cũ. Chữ [紆]  này đã được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đọc thành “vu”. Chúng tôi cho rằng đây là một cách đọc xuất phát từ truyền thống.

Ngoài ra, hình vị Hán Việt này còn có một điệp thức (doublet) là “vo” trong “vòng vo” (“vu” [紆]  là “quanh co”, “khuất khúc”). Phụ âm đầu [v] của nó, do đó, có lẽ chẳng phải là chuyện mà ta có thể sổ toẹt một cách quá dễ dàng! Vậy thì ta có “v(u) + (c)úc = vúc”; rồi với “ốc vận”, thì, về lý thuyết ta còn có thêm “vốc”. Biết rằng trong lĩnh vực lịch sử ngữ âm Hán Việt, ba vần [uk], [ok] và [k] là anh em quấn quýt, ở đây ta có: “vúc ~ vốc ~ vóc”. Về mặt ngữ âm thì đây hiển nhiên là chuyện hoàn toàn có thể. Huống chi, ta còn có nhiều cặp tương ứng khác, chẳng hạn: – (uẩn) khúc [曲] ~ (hiểm) hóc; – (Nhân) Mục [睦] (địa danh) ~ (làng) Mọc; – (cực) nhục [辱] ~ (cực) nhọc; – túc [粟] (hạt lúa) ~ thóc (gạo); – trục [躅]  (không dứt đi được) ~ (trằn) trọc, v.v…

Về mặt văn tự, xin nói rằng, ở đây, ta có ba chữ cùng gốc (Đồng nguyên tự điển) là “úc” [郁], “úc” [彧] và “uất” [鬱], như Vương Lực đã chứng minh một cách chặt chẽ và dĩ nhiên là đầy sức thuyết phục trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr. 228, 448 & 450). Còn về ngữ nghĩa thì “úc/vúc” [郁] là thơm, thơm phức, như đã cho tại nghĩa 3 của chữ này trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, tr.1567, cột 3): 通“鬱”- 香气; 香气浓烈Â (Thông “uất” – Hương khí; hương khí nùng liệt), nghĩa là “Thông [với chữ] “uất” – Mùi thơm; mùi thơm ngào ngạt”.

Cái nghĩa này của chữ “úc” [郁] cũng đã được cho trong Đương đại Hán ngữ từ điển [当代汉语词典]  của nhóm Lý Quốc Viêm [李国炎] (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2001, tr. 1365).  Cứ như trên thì hai chữ “úc” [郁]  và “uất” [鬱]  chẳng những đồng nguyên mà còn đồng nghĩa nữa và đều có nghĩa là “[mùi] thơm”, “[mùi] thơm ngào ngạt”. Có người chỉ căn cứ vào câu “Úc úc hồ văn tai!” (Văn chương rực rỡ thay!) liên quan đến chữ “úc” [郁] hoặc vào cái nghĩa “cây cối sum suê” của chữ “uất” [鬱] mà nghi ngờ cái nghĩa trên đây của hai chữ này. Chúng tôi mạo muội cho rằng, làm từ nguyên học có lẽ không đơn giản đến thế. Các vị đó cũng không thấy rằng Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã giảng “úc úc” [郁郁] là “hương bay ngào ngạt”!

Tóm lại, với nguyên từ đã xác định trên đây thì “vóc” có nghĩa là “thơm, ngon” và “ăn vóc học hay” chỉ đơn giản có nghĩa là “ăn ngon học giỏi”. Cấu trúc cú pháp của thành ngữ này giống hệt của các thành ngữ: – ăn ngon mặc đẹp, – ăn ngon ngủ yên, – ăn không ngồi rồi, – ăn gian nói dối, – ăn thật làm dối, v.v… Nghĩa là nó gồm hai từ tổ động từ sóng đôi mà mỗi từ tổ gồm một động từ và một tính từ làm trạng ngữ cho động từ đó. Nếu quan niệm “vóc” là danh từ như Phan Ngọc và một số tác giả khác đã hiểu thì thế đối sẽ tức khắc trở thành chệch choạc và hiện tượng này cũng xung khắc với lý thuyết của chính ông.

Và những người cho rằng, ý kiến của chúng tôi khó chấp nhận có lẽ cũng nên thấy rằng, việc họ bắt danh từ “vóc” đứng trơ trẻn trong câu thành ngữ đang xét để “đối” với tính từ “hay” mà cùng gánh cái nghĩa do họ đưa ra cũng chẳng phải là việc dễ chấp nhận chút nào! Có người thậm chí còn “đi bước nữa” mà thêm “nên” vào theo cái mẫu “Ăn nên đọi; nói nên lời” (thành “Ăn nên vóc; học nên hay”) để “hợp thức hóa” cách hiểu của mình nữa! Nhưng đây chỉ là hậu tạo và ngụy tạo! Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắn nhủ ông Nguyễn Quảng Tuân rằng, cứ cho là ý kiến của An Chi ở đây hoàn toàn sai thì “nhiễu sự” vẫn là chuyện cần thiết trong nghiên cứu văn học.

  • Tháng Hai 25, 2023