Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Tuy sách vở không kê khai rõ ràng nhưng có thể nói rằng nước ta vốn có nhiều nghề.
Đời Lý, có thợ bách tác (làm trăm thứ). Thời Pháp có trường dạy bách nghệ ( trăm nghề). Ngày nay có 3 trường đại học bách khoa (dạy trăm môn). Có hàng trăm nghề khác nhau. Cửa hàng bách hoá bán cả trăm thứ. Khó mà biết, mà đếm hết được các nghề của ta.
Người xưa trọng nghề vì nghề nuôi sống được thợ.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Có nghề là đời sống được đảm bảo. Tay nghề giỏi là thân được sướng.
Như vậy là ta cũng nghĩ rằng không có nghề nào xấu ( il n’y a pas de sot métier) như người Pháp à?
Ấy chết ! Pháp là Pháp, ta là ta chứ ! Ta có nhiều ” nghề hạ tiện ” xấu xa lắm !
Nghề hạ tiện là nghề gì ?
” Đó là những nghề làm mất nhân phẩm con người như ” bé đi câu, lớn đi hầu, già đi làm khách nợ “, làm nho lại tại các công đường, làm mõ, xướng ca…” (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1968, tr. 426-430).
Lạ nhỉ ! Nhất sĩ nhì nông…Nho lại cũng từ sách vở chui ra kiếm ăn sao lại bị coi là làm mất nhân phẩm, ngồi cùng chiếu với mõ ?
Một đời làm lại, bại hoại ba đời ! (Tục ngữ)” Nghề làm lại xoay ngọn bút, sửa tờ giấy, ăn không nói có, làm những điều thất đức có hại tới con cháu ” (Toan Ánh, sđd).
Người xưa khinh ghét đám nho lại công đường, đám ” xui nguyên giục bị “, vì bọn này sinh sống bằng nghề viết lách giấy tờ kiện tụng.
Vẫn chưa hết. Bên cạnh nghề cao quý, nghề hạ tiện, còn một số nghề bị bỏ quên, không có tên trong bảng xếp hạng.
Đứng đầu là nghề… ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp.
Nhầm to rồi ông ơi ! Ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, không phải là nghề!
Không nhầm đâu ông ạ.
Con ơi học lấy nghề cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm (Ca dao)Rõ ràng ăn trộm là một nghề đã được các cụ công nhận đàng hoàng. Ông vẫn chưa tin à ? Theo ông, làm quan có phải là một nghề không ?
Nhất định rồi ! Làm quan là nghề vinh hiển nhất của sĩ !
Nếu vậy thì nhất định ăn trộm, ăn cướp cũng là một nghề !
Con ơi, mẹ bảo con này
Cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan (Ca dao)Quan làm ca một, trộm làm ca ba, cùng sở đấy ông ạ.
Thời phong kiến ngày xưa, làm quan chỉ dành riêng cho các ông.
Trải qua mấy cuộc bể dâu. Ngày nay có cả quan đàn bà.
Văn chương gọi mấy ông, mấy bà quan tân thời có tật hay cầm nhầm, ăn cắp, ăn trộm của công là biển thủ công quỹ. Ăn cướp của dân được thuật ngữ chính trị gọi là tiêu cực.
Toàn là người có nghề, thạo nghề cả đấy chứ.
Sông có nguồn, nghề có tổ sư.
Sách vở không cho biết tổ sư của nghề ăn cắp, ăn trộm tại nước ta là ai ?
Có thể đoán mò là anh chàng Trọng Thuỷ, chồng cô Mị Châu.
Truyện kể rằng :
” Thời xửa thời xưa, An Dương Vương xây thành Cổ Loa gặp nhiều khó khăn, được thần Kim Quy (Rùa Vàng) giúp đỡ. Xây xong thành, thần còn tặng nhà vua một móng chân làm kỉ niệm, dặn rằng lúc cần thì đem ra mà dùng.
An Dương Vương sai người lấy móng rùa làm lẫy, lắp được một chiếc nỏ thần để phòng vệ thành Cổ Loa.
Triệu Đà đem quân sang xâm lược nước ta. An Dương Vương đứng trên thành dùng nỏ thần bắn bắn xối xả, giặc chết như rạ. Triệu Đà thua to.
Biết là dùng quân sự không xong, Triệu Đà ghé tai con trai là Trọng Thuỷ thì thầm… như vầy, như vầy.
Trọng Thuỷ gật đầu lia liạ.
Triệu Đà sửa soạn phong bì đi gặp An Dương Vương. Đề nghị anh cho thằng nhỏ Trọng Thuỷ nhà tôi được vinh dự nâng khăn móc túi cho con Mị Châu nhà anh.
Cuộc gặp gỡ thương thuyết đạt thắng lợi to lớn.
Mị Châu được tấm chồng ngoại kiều. An Dương Vương được thằng rể để sai vặt. Trọng Thuỷ vừa được cơm no bò cưỡi, vừa được xuất ngoại. Triệu Đà vừa đỡ một miệng ăn vừa gài được thằng con trong lòng địch.
Trọng Thuỷ lên xe ngựa về nhà vợ.
Men tình ngào ngạt, lai láng gối chăn. Trọng Thuỷ tỉ tê thăm dò Mị Châu. Mị Châu đê mê. Có gì đem hết ra khoe. Khoe luôn cả bí mật của nỏ thần.
Trọng Thuỷ tìm cách đánh tráo, ăn trộm được lẫy nỏ.
Rồi kiếm cớ trở về quê hương thân thương, thăm gia đình và tham quan.
Muốn biết kết cục của
Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương (Tản Đà)ra sao, xin đọc hồi sau sẽ rõ…
Trọng Thuỷ về tới nhà bèn ghé tai cha thì thầm báo cáo… như thế, như thế.
Triệu Đà cất tiếng cười sang sảng. Lũ chim non ngoài vườn hoảng sợ, vụt bay cao. Ngay hôm sau Triệu Đà chuẩn bị cất quân đánh An Dương Vương.
Trời đất lại một phen nổi cơn gió bụi !
An Dương Vương ung dung xách nỏ thần, leo lên thành, vừa hát vừa bắn.
Bắn hết cả tên mà quân địch vẫn tiếp tục vừa đùa vừa tiến. Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu (Thế Lữ) ! An Dương Vương quăng nỏ, kéo Mị Châu lên ngựa chạy trốn.
Mị Châu y theo lời dặn của Trọng Thuỷ, rắc lông ngỗng làm dấu, để chồng biết đường đi tìm mình. Cha con Triệu Đà được chỉ đạo, hướng dẫn, vừa cười tủm vừa đuổi theo.
Cùng đường, quay lại thì thấy con gái đang nối giáo cho giặc, An Dương Vương nổi giận, rít lên một tiếng như ngựa hí, rút gươm chém Mị Châu, rồi tự vẫn.
Trọng Thuỷ thương vợ cũng tự tử chết theo.
Chỉ còn Triệu Đà, người (gian) hùng cô đơn.
(Đời sau sao chép, nhầm lẫn ” gửi rể kế” của Triệu Đà thành ” đào mỏ kế “).
Ngày nay, nước nào cũng mở trường đào tạo ăn cắp, ăn trộm… tài liệu, tin tức.
Học viên tốt nghiệp cấp thấp là chú công an, bác lính kín, cấp cao là tay tình báo, tên gián điệp. Chỉ nghe phẩm hàm của các vị tân khoa thôi mà đã rùng mình, nổi da gà.
Người ta đồn rằng cái nghề quốc tế này đã cống hiến nhiều anh hùng vô danh cho lịch sử thế giới. Anh hùng nào háo danh, được thiên hạ biết mặt biết tên trong lúc hành nghề thì chỉ còn nước xin nghỉ phép, sắm vàng hương đi chầu ông bà ông vải là vừa.
Hành nghề song song với bọn ăn cắp, ăn trộm theo bài bản nhà trường, là bọn ăn cướp ồn ào, nhốn nháo. Dọc ngang chả thèm biết trên đầu có ai.
Cướp có nhiều loại, nhiều thứ bậc. Cướp biển, cướp cạn, cướp vặt, cướp chính quyền, cướp hợp pháp và cướp phạm pháp v.v.. Riêng cướp biển, xưa kia nước Pháp phân biệt hai loại.
Bọn thứ nhất là đám ” pirates “, cướp biển tư nhân. Đứa thì chột mắt đứa thì sứt răng. Phất phơ lá cờ sọ người, lênh đênh kiếm ăn độ nhật. Cướp của giết người không gớm tay…như xi nê ma.
Bọn thứ nhì là lũ ” corsaires “, cướp biển quốc doanh. Bọn này tương đối lành lặn hơn, giết người… âm thầm hơn. Nhiệm vụ của các công nhân viên nhà nước này là đi lùng và cướp các thuyền buôn, mang chiến lợi phẩm về hiến dâng cho thủ trưởng và các quan.
Cướp biển quốc doanh, có biên chế, được vua chúa đặt ra từ thế kỉ 15, đến sau cách mạng 1789 vẫn tiếp tục tồn tại thêm một thời gian dài.
Đại ca Surcouf (1773-1827) danh bất hư truyền, chiến công chói lọi sử vàng, được dựng tượng bên bờ biển Saint Malo, chỉ cách mộ văn hào Chateaubriand vài con sóng vỗ.
Ngoài hai hạng ăn cướp cho mình, ăn cướp cho chính quyền, còn có nhiều vị hành nghề… từ thiện, vô vị lợi. Rơi vãi chút đỉnh thôi.
Tiêu biểu là hiệp sĩ Robin des Bois với lời hịch ” Lấy của người giàu chia cho người nghèo “. Anh hùng hảo hán bốn phương hưởng ứng, tụ về núi rừng cùng nhau mưu đại sự.
Tiếc rằng đời sau, con cháu các vị dần dần hủ hóa, biến chất. Học hành chưa xong, bằng giả đút túi, rủ nhau lập băng đảng, hạ sơn kiếm chác.
” Lấy của người giàu “, kể cả người giàu làm ăn lương thiện, hợp pháp.
” Chia cho người nghèo “, chia cho cả bọn làm thuê gánh mướn, chuyên…” gánh tiền đi rửa sông Ngô “. Đám nghèo rớt mồng tơi, cần tiền để nộp cho…trường công, nhà thương thí…há hốc mồm đứng xem chia chác.
Hậu sinh khả uý ! ” Cướp lung tung, chia bừa bãi “. Chả khác gì đám giặc cỏ.
Các cụ ơi, con cháu đang bêu riếu các cụ như thế đấy. Lỗi các cụ đã đẻ ra chúng nó. Các cụ có linh thiêng thì bóp cổ chúng nó cho làng xóm được nhờ.
Cướp biển, cướp cạn, cướp ngày, cướp đêm, ngày nay vẫn còn. Lúc ẩn lúc hiện.
Triều đình, chính quyền quyết tâm tuyển người đi đánh dẹp. Quan chức được tuyển mộ, khoác quần áo mới, trang bị máy móc tối tân. Các quan tung hoành lập công. Cướp được của cướp nhiều của nổi của chìm. Lấy lại được nhiều tiền…Tiền hô hậu ủng ! Tiền đồ nhá nhem !
Dẹp cướp thật là phức tạp, khó khăn. Mất mạng như chơi.
Trên trướng gấm có hay chăng nhẽ ? (Chinh phụ ngâm).
Giết người đi thì ta ở với ai ? (Phạm Duy).
Hết cướp thì lính dẹp cướp cũng hết đất sống. Chi bằng lập tổ đổi công, dựa vào nhau mà sống. Cung cầu của kinh tế thị trường là như vậy, phải không ?
Ông tổ của nghề ăn trộm bên Tàu là chú Chích đời Xuân Thu. Chú xuất sắc lắm, được người đời tấn phong là giáo chủ của ” đạo chích “. Đạo (ăn trộm) dễ tu, tín đồ hành đạo khắp năm châu, bất kể ngày đêm.
Giang hồ kiếm khách trước khi được kết nạp vào đạo, phải cam kết tôn trọng lời thề ” thà đói chứ không ăn bẩn “. Thế mà vẫn còn nhan nhản những thằng đốn mạt ” ăn cướp cơm chim “. Loanh quanh phường xóm.
Sau nghề đặc biệt của các ông là nghề cũng không kém đặc biệt của các chị em.
Nghề ” bán trôn nuôi miệng “, màu mè gọi là nghề mại dâm.
Theo truyền thuyết thì mại dâm là nghề xưa nhất của loài người.
Số đông các ông tán thành, ủng hộ nghề này. Nhưng trước mặt vợ, trước đám đông, ông nào cũng lải nhải chửi bới, lên án nó. Cứ như là tự mình xỉ vả chính mình vậy.
Phải chờ đến tận cuối thế kỉ 20 cái nghề làm ăn trong bóng tối này mới được một số nước công nhận. Chị em được chính thức hành nghề giữa ánh sáng chói loà.
Liên doanh, hợp tác, làm ăn to thì tủ kính đèn màu, hàng chưng lồ lộ.
Em ngồi trong quầy, tủ
Anh phố cũ lang thang
Nhìn nhau thèm, chẳng nói…Làm ăn cá thể tuy thu nhập thất thường, nhưng được tự do hơn. Giỏi xoay xở thì cũng đủ tiền son phấn, ma tuý lai rai. Có bằng khen, danh hiệu như (cựu) Miss France thì phất như diều gặp gió. Khéo ăn khéo nói thì chờ thời vận, ra tranh ghế… đại biểu quốc hội Ý!
Chị em làm ăn có khai báo, đóng thuế lợi tức hàng năm. Nhà nước che mặt, chấm mút mồ hôi của giai cấp lao động. Bù lại, nhà nước có bổn phận chăm sóc sức khoẻ cho mấy ” con gà đẻ trứng vàng “. Bọn ma cô, bố già bố trẻ của xã hội đen, xã hội đỏ, chuyên sống lén lút bằng cách bóc lột chị em đến tận da tận thịt, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị truy nã không ngừng.
Chị em ý thức được vai trò, vị trí xã hội của mình, thỏ thẻ hô hào đấu tranh.
Bầu người lãnh đạo. Lập nghiệp đoàn. Họp báo. Biểu tình. Tranh luận công khai.
Mỗi lần lên truyền hình, ai cũng phải công nhận điểm mạnh, điểm thu hút của chị em ăn sương là… ăn ảnh. Mặt hoa da phấn, trông dễ thương hơn các ông các bà làm chính trị một trời một vực. Chao ôi ! Sao mà quyến rũ thế!
Thương mại bước vào thời kì toàn cầu hoá !
Hàng hoá Đông Âu đổ sang Tây Âu. Chị em được giải phóng, ồ ạt chạy sang miền đất hứa hành nghề.
Nhiều khu trù mật, kinh tế mới mọc lên.
Phố xá thay da đổi thịt, nhộn nhịp sầm uất.
Con trai con gái choai choai nửa đêm thức giấc, ngứa ngáy. Các ông đổi mới, thích đi dạo nửa khuya. Các bà lo ngại, đi mách cảnh sát.
Chính quyền bắt buộc phải can thiệp. Nhưng can thiệp bằng cách nào ? Hành nghề hợp pháp cơ mà. Cấm chỗ này, chợ người chuyển sang chỗ khác.
Nước Pháp không có dầu lửa nhưng có nhiều ý hay !
Trị bịnh phải trị tận gốc ! Cứ nhè đầu các ông đi bắt bò lạc mà phạt. Không có lửa sao có khói ! Các ông bị một vố đau hơn hoạn nhưng vẫn chứng nào tật ấy.
Từ xưa đến nay, nước ta luôn luôn nhân danh đạo lí, trừng trị thẳng tay, hay nói một cách dễ hiểu hơn là quyết tâm xoá bỏ cái nghề đồi phong bại tục này !
Khắp nơi rầm rộ… Khốn nỗi…
Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi (Ca dao)Đứng trước cái lả lơi dịu mềm kia chả ai cứng rắn mãi được. Rốt cuộc, những ông được giao trách nhiệm ông nào cũng mệt phờ râu, chả còn đầu óc đâu để xoá với bỏ cái nghề đồi bại kia.
Từ ngày con người có mặt trên trái đất, tại miền Đông Á, các thế hệ đàn anh đàn chị không ngừng đúc kết kinh nghiệm truyền lại cho đàn em.
Này, con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề… (Kiều).” Bảy chữ, tám nghề ” là một bộ kinh, có thể đã được soạn trước cả Ngũ kinh của Nho giáo. Một pho sách dạy nghề, hướng nghiệp, được biên tập công phu như những bài mẫu luận văn tốt nghiệp đại học.
” Bảy chữ, tám nghề ” là của quý, đáng được nhét vào chỗ kín trong mọi tủ sách gia đình.
” Bảy chữ ” là bảy mẹo quyến rũ khách làng chơi, gồm có : khấp (khóc), tiễn (cắt tóc), thích (xâm tên), thiêu (đốt hương thề), giá (hẹn hò), tẩu (đi trốn), tử (doạ chết).
” Tám nghề ” là tám cách gãi đúng chỗ ngứa của khách hàng, gồm có :
Kích cổ thôi hoa (dùng cho khách nhỏ con), kim liên song toả (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách chậm chạp), khẩn thuyên tam trật (khách mới vỡ lòng), tả trì hữu trì (khách thạo đời), toả tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm toả (khách lạnh lùng).
(Nguyễn Tử Năng, Điển hay tích lạ, Khai Trí, 1974, tr. 43-44).
Không phải là nhà nho thì khó mà thuộc lòng được bộ cẩm nang.
Cô Kiều của cụ Nguyễn Du được Tú Bà cho thực tập ” bảy chữ, tám nghề “.
Các cô Kiều thời nay năng động hơn, sáng tạo thêm nghề đặc sản thứ chín là ” phu thê hợp đồng “. Không giống nhưng cũng không khác hẳn tám nghề kia. Dở dở ương ương.
Đối tượng của ” phu thê hợp đồng ” là khách bơ vơ, lưu lạc góc bể chân trời. Thả mồi đã lâu mà chả có cá vàng, cá kiểng nào cắn câu.
Khách phải nhờ mấy ông mấy bà chuyên dẫn khách đi chơi tìm cho một bến để thuyền ghé nghỉ. Bên kia trái đất, các cô Kiều tương lai được người môi giới bật đèn xanh, ngồi chờ khách dưới chân cầu mười hai bến nước.
Một sáng đẹp trời, vừng hồng vừa ló, khách nghênh ngang đi chọn mặt gửi vàng.
Đôi bên liếc mắt đưa tình. Sấm sét ái tình nhằng nhịt, ngoằn ngoèo, rạch nát bầu trời.
Thuận mua vừa bán rồi, đôi ta kí hợp đồng nghe anh. Anh lo cho em thẻ xanh, giấy xanh. Em lo cho anh bếp hồng, ngựa hồng. Ngày nào đủ lông đủ cánh em sẽ giã từ anh.
Kín đáo, thẹn thùng không nói ra thì cứ tạm ngậm bồ hòn, chờ ngày mai tươi sáng hơn. Chờ cái ngày tình cờ móc được khách khác rủng rỉnh, cao ráo hơn.
Ngày đó nói cho anh biết cũng chưa muộn.
Tương lai bấp bênh. Cười gượng còn hơn mếu, phải không anh ? Mong anh thông cảm !
Mọi chuyện cuối cùng rồi cũng đâu vào đấy.
Bái biệt mẹ cha. Xin mẹ cha cầm đỡ chút của làm tin. Từ nay nghìn trùng xa cách.
Nhưng mấy ai học được chữ ngờ…
Thời đại vệ tinh, di động, chuyện gì cũng có thể xảy ra được.
Kể cả chuyện cọc đi tìm trâu, hoa đi tìm bướm.
Mình chờ dịp đi Tây, đi Mĩ, đi Úc…Đi đâu cũng được. Mình sẽ mải vui sơ ý…quên mất ngày về. Mình sẽ…như đã dự tính trước khi lên máy bay. Mình sẽ…
Thân gái dặm trường, lặn lội gió mưa.
Thả một chùm giây câu nơi đất khách quê người, may ra có con cá nào đớp chăng ? Con săn sắt cũng xong, con thia thia cũng tốt. Bắt tạm cho yên bề hộ khẩu. Mai mốt cố chài con sộp, con voi…Đời còn dài, mới ngoài hai mươi…
” Phu thê hợp đồng ” có thể dùng cho nhiều loại khách. Khách biên đình sang chơi, hay khách sang chơi biên đình vớ được. Không phân biệt…Khỏi cần, khỏi cần, thế nào cũng được.
Đũa lệch, nĩa vênh, ấm sứt vòi, đĩa hỏng men…Thượng vàng hạ cám. Hàng gì chợ trời cũng có. Nhằm dịp khuyến mại, tha hồ lục, chọn, thử.
” Gìn vàng giữ ngọc ” chẳng lẽ lại đến nước này sao, hỡi các cô Kiều ?
(Kiều : tên gọi các cô quyết kiếm chồng…Việt kiều hay ngoại kiều, bằng bất cứ giá nào).