Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”
Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huỳnh-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu”(1). Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Nguỵ của Tào Tháo. (2) Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Nguỵ (Chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng thằng Ngô con đĩ) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thoả đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Nguỵ mà phải dùng họ Tào để gọi?
Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 蓸 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan.
Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số – cũng được “vinh dự” gọi là Tàu.
Viết thêm cho lần in năm 2018. – Ở trên chúng tôi có nói rằng hai tiếng “thằng Ngô” xuất phát từ tên nước “Đông Ngô” nhưng nay lại thấy đó là một ý kiến sai. Từ “Ngô” dùng để chỉ người Tàu chỉ có từ đời Lê, mà cứ liệu là bài hịch “Bình Ngô đại cáo”.
1. Đại Nam quốc âm tự vị, tập II, Saigon, 1896, tr. 346.
2. Xem Thanh-hoá quan phong, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr. 97.