Tào khang chi thể là đạo trọng/Nghĩa kim bằng, bần tiện mạc vong
Tào khang chi thể là đạo trọng;
Nghĩa kim bằng, bần tiện mạc vong.
Xin cho biết xuất xứ và nguyên văn của hai câu trên. Có phải chữ “tào” cũng đọc thành “tao”? Người xưa cũng có câu so sánh quan hệ anh em với quan hệ vợ chồng. Xin cho biết nguyên văn cùng ý nghĩa của câu đó và xin kể vài tích xưa về tình anh em.
Hai câu trên nguyên là lời nói của Tống Hoằng, người đất Tràng An thời Đông Hán, làm quan đến chức đại tư không. Vua Quang Vũ nhà Đông Hán gả chị là công chúa Hồ Dương mới goá chồng cho ông mà ông thì đã có vợ. Để dọ ý của Tống Hoằng, Quang Vũ triệu ông vào bệ kiến rồi hỏi khéo: “Có câu giàu đổi bạn sang đổi vợ, khanh thấy có đúng không?”. Hoàng đáp: “Thần văn tạo khang chi thê bất hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong” nghĩa là “thần nghe nói vợ cưới từ buổi túng khó thì không bỏ, bạn lúc còn nghèo hèn thì không thể quên” (Tao là bã rượu, khang là cám gạo; tạo khang chi thê là “người vợ đã cùng mình ăn bã rượu và cám gạo”, nghĩa là đã từng chia sẻ với mình cuộc sống kham khổ. Chữ tao 槽 cũng đọc là tào; vậy cả hai âm đều đúng).
Còn câu mà ông hỏi về tình vợ chồng và nghĩa anh em y có lẽ là “Huynh đệ như thủ túc; phu phụ như y phục” (Anh em như tay chân; vợ chồng như quần áo), ý nói một đằng là quan hệ huyết thống còn một đằng là quan hệ do hôn nhân đưa đến. Đã là quan hệ huyết thống thì có muốn lựa chọn cũng không được còn đã là quan hệ hôn nhân thì dù vợ hoặc chồng có là người như thế nào cũng chỉ là do lựa chọn mà nên. Vậy vợ chồng thì còn có thể thay đổi chứ anh em thì không. Dù anh em có từ nhau thì trong thực tế họ cũng vẫn là ruột rà với nhau. Tất nhiên dụng ý của cổ nhân không phải là nói như thế để khuyên người ta bỏ vợ bỏ chồng; chẳng qua là do muốn nêu bật bản chất của từng mối quan hệ mà thôi. Hơn nữa đối với thiết chế của xã hội phong kiến Trung Hoa – mà người Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét – thì vấn đề huyết thống lại càng là một vấn đề tế nhị mà trọng đại. Và người ta đã có nhiều sự tích rất cảm động về tình huynh đệ. Chẳng hạn như chuyện “Huynh sấu đệ phỉ” (Anh ốm em mập). Người ta kể rằng Nghệ Manh, tự là Tử Minh, là người đất Lâm Tri nước Tề vốn chăm chỉ nghề nông. Gặp năm đói kém, người ta ăn thịt lẫn nhau. Manh cùng với anh đi ra khỏi thành mót rau để ăn thì cả hai anh em đều bị giặc Xích Mi bắt được. Chúng muốn giết cả hai anh em để ăn thịt. Manh bèn đến trước mặt giặc cúi đầu mà nói: “Anh tôi tuổi cao ốm yếu, không khoẻ mập như Manh này, vậy xin hãy ăn thịt Manh mà tha cho anh”. Giặc cảm kích trước tấm lòng hiếu đễ của Manh, bèn tha cho cả hai anh em.