Tục “rửa chân cô dâu” trong đám cưới của người Thái

Upload
Share
  1. Dẫn nhập

Trong  sách  Phong  tục  tập  quán  các  dân  tộc  thiểu  số  Nghệ  An,  Nhà  xuất  bản  Nghệ  An,  Vinh,  năm  1997,  khi  nói  về  tục  “rửa  chân  cô  dâu”  trong  đám  cưới  của  người  Thái,  chúng  tôi  đã  viết:  “[Khi  đoàn  rước  dâu  về]  đến  nhà  [trai],…  Bà  mối  múc  nước  trong  cái  sanh  đồng  rửa  chân  cho  2  người  [dâu  rể]….  Trong  sanh  phải  có  nén  bạc  hay  hào  bạc”.  (Sách  đã  dẫn,  trang  40).  Mười  sáu  năm  sau,  khi  xuất  bản  cuốn  Đám  cưới  truyền  thống  của  người  Thái    Nghệ  An,  Nhà  xuất  bản  Thời  đại,  Hà  Nội,  năm  2013,  đề  cập  đến  tục  đó,  chúng  tôi  lại  viết:  “[Khi]  chàng  rể  và  cô  dâu  đến  chân  cầu  thang;  mẹ  chàng  rể  đã  chuẩn  bị  sẵn  một  chậu  nước,  có  bỏ  vào  vài  đồng  tiền  xu,  xối  vào  chân  2  người  trước  lúc  lên  nhà,  vừa  là  rửa  chân  cho  sạch,  vừa  để  rửa  đi  quá  khứ,  sang  cái  mới  từ  đây”  (Sđd,  tr.  136).  Đọc  lại  những  dòng  này,  về  chi  tiết  có  thể  phải  “chính  xác  hóa”  thêm,  nhưng  về  cơ  bản  vẫn  đúng  theo  tinh  thần  phong  tục  của  người  Thái.  Tuy  nhiên,  chúng  tôi  vẫn  tiếp  tục  tìm  hiểu  về  ý  nghĩa  của  phong  tục  này.  Phải  chăng  nước  ở  đây  chỉ  có  chức  năng  “rửa  chân  cho  sạch,  vừa  để  rửa  đi  quá  khứ,  chuyển  sang  cái  mới”,  hay  còn  có  ý  nghĩa/chức  năng  gì  sâu  xa  hơn?  Đồng  bạc,  đồng  xu  ở  đây  có  ý  nghĩa/chức  năng  gì?

Gần  đây,  sau  khi  tham  khảo  thêm  tài  liệu,  chúng  tôi  đã  có  thêm  những  nhận  thức  mới  về  vấn  đề  này,  xin  được  “nói  thêm”  ở  trong  bài  viết  này.

  1. “Nước” có  công  năng  phồn  thực

Trong  thần  thoại,  truyền  thuyết  về  nữ  thần  sáng  thế  Mễ  Lục  Giáp  “Đẻ  con”  của  tộc  người  Choang  (Trung  Quốc),  có  2  truyện.  Truyện  thứ  nhất  như  sau:  “Có  một  hôm,  Bố  Lạc  Đà  cùng  với  Đồ  Ngạch  ra  biển  bơi  lội.  Bố  Lạc  Đà  trông  xa  xa  thấy  nàng  Mễ  Lục  Giáp  đang  đứng  ngây  người  trên  đỉnh  núi  nọ…  Thế  là  chàng  liền  ngậm  một  ngụm  nước  phun  về  phía  Mễ  Lục  Giáp.  Nước  phun  thành  một  tia  thẳng  như  kẻ  chỉ,  bắn  đúng  vào  lỗ  rốn  của  nàng.  Mễ  Lục  Giáp  trở  về  nhà,  cái  bụng  cứ  mỗi  ngày  một  to  dần  lên,  và  chín  tháng  sau  nàng  sinh  ra  một  ổ  con,  cả  thảy  là  12  đứa.  (Sau  này  khi  12  đứa  trẻ  vừa  nam  vừa  nữ  khôn  lớn,  nàng  Mễ  Lục  Giáp  đã  bảo  chúng  gọi  Bố  Lạc  Đà  là  cha).  Còn  về  phía  Bố  Lạc  Đà,  khi  tìm  thấy  nàng  Mễ  Lục  Giáp  đã  hỏi  nàng  rằng:  “Những  đứa  trẻ  đó  sao  lại  gọi  ta  là  cha?”.  Mễ  Lục  Giáp  trả  lời  ngay:  “Chàng  quên  rồi  ư?  Hôm  ấy  khi  chàng  ở  dưới  biển  phun  nước  lên  người  tôi,  thì  chính  tia  nước  ấy  đã  làm  cho  tôi  mang  thai,  do  đó  đã  sinh  ra  lũ  trẻ  đấy!  Nước  do  chàng  phun,  cho  nên  lũ  trẻ  phải  gọi  chàng  là  cha”(1).  Truyện  thứ  hai:  “Sau  khi  trời  đất  hình  thành,  trên  mặt  đất  chỉ  có  hai  người  là  Bố  Lạc  Đà  và  Mễ  Lục  Giáp.  Thế  là  Bố  Lạc  Đà  bèn  tìm  nàng  Mễ  Lục  Giáp  để  bàn  chuyện  tạo  ra  loài  người.  Mễ  Lục  Giáp  nghe  Bố  Lạc  Đà  nói  vậy  thì  bất  giác  đỏ  ửng  mặt  lên,  rồi  cười  mà  chẳng  nói  gì.  Chàng  Bố  Lạc  Đà  thấy  Mễ  Lục  Giáp  im  lặng  không  nói,  liền  chạy  thẳng  một  mạch  tới  biển  Đông  và  rất  lâu  vẫn  không  trở  lại.  Nàng  Mễ  Lục  Giáp  khi  ấy  lại  cảm  thấy  cô  đơn  vắng  lặng,  ngày  đêm  tưởng  nhớ  Bố  Lạc  Đà  và  nàng  thường  ngày  ngày  lên  đỉnh  núi  để  ngóng  chờ  chàng  quay  về.  Còn  Bố  Lạc  Đà  xa  cách  Mễ  Lục  Giáp  đã  lâu  cũng  hết  sức  nhớ  nhung  Mễ  Lục  Giáp.  Khi  từ  mé  biển  xa  xa  nhìn  về,  thấy  Mễ  Lục  Giáp  đang  đứng  trên  đỉnh  núi  ngóng  trông,  Bố  Lạc  Đà  không  ngăn  nổi  xúc  cảm  trào  dâng,  chàng  liền  ngậm  một  ngụm  nước  biển,  rồi  lấy  sức  phun  thẳng  về  phía  Mễ  Lục  Giáp.  Nào  ngờ,  ngụm  nước  đó  phút  chốc  đã  biến  thành  chiếc  cầu  vồng  bảy  màu  rực  rỡ,  vượt  qua  muôn  dặm,  bắc  ngang  bầu  trời,  một  đầu  nối  từ  miệng  Bố  Lạc  Đà,  còn  đầu  kia  thì  nối  liền  vào  mình  nàng  Mễ  Lục  Giáp.  Sau  đó  chẳng  bao  lâu,  nàng  Mễ  Lục  Giáp  cảm  thấy  bụng  mang  thai.  Bấy  giờ  Bố  Lạc  Đà  cũng  đã  trở  về.  Chín  mươi  ngày  sau,  Mễ  Lục  Giáp  nôn  ra  một  đống  “bùn  vàng”.  Hai  người  bèn  lấy  thứ  bùn  vàng  đó  nặn  thành  từng  con  người  bằng  đất,  rồi  lấy  cỏ  rối,  lá  cây,  cỏ  khô  bọc  lại  và  đem  bỏ  vào  trong  chum  vại,  rồi  hằng  ngày  lại  lấy  nước  tưới  thêm  vào  đó.  Qua  90  ngày  sau,  những  con  người  bằng  bùn  đất  đó  bắt  đầu  ngọ  ngậy.  Mễ  Lục  Giáp  lấy  thân  mình  ủ  ấm  cho  chúng,  rồi  dùng  lưỡi  liếm  liếm  vào  từng  người  một,  ngày  đêm  không  ngừng.  Lại  qua  90  ngày  nữa,  đám  người  bùn  đất  đó  hoàn  toàn  biến  thành  người  thật  và  bò  ra  mặt  đất,  ngửng  nhìn  trời”(2).  Rõ  ràng,  ở  đây  “nước”  có  công  năng  phồn  thực.

Thời  cũ,  cặp  vợ  chồng  người  Choang  nào  mà  sau  cưới  lâu  có  con  thì  phải  tìm  đến  thầy  tướng  số  làm  lễ  hóa  giải.  Trong  lễ  này  phải  có  một  con  vịt  trắng,  một  xâu  thịt  lợn,  một  quả  trứng  gà,  và  một  bát  nước  trong.  Sư  công  thắp  hương,  niệm  chú,  mời  thần  linh,  rồi  giết  con  vịt  trắng  lấy  máu  hòa  vào  bát  nước,  đưa  cho  hai  vợ  chồng  uống.  Họ  làm  như  thế  và  tin  rằng  có  thể  sinh  con  đẻ  cái(3).  “Nước”  ở  đây  cũng  có  công  năng  phồn  thực  như  vậy.

Phụ  nữ  người  Choang  khó  đẻ  cũng  phải  nhờ  đến  nước.  Ở  động  Kim  Long,  huyện  Long  Châu,  tỉnh  Quảng  Tây,  người  Choang  cho  rằng  khó  đẻ  là  do  ma  quỷ  làm  hại,  phải  mời  “mật  công”  (phù  thủy,  cũng  gọi  là  “vu  công”)  đến  làm  phép  giải  ma.  Khi  làm  phép,  mật  công  tay  cầm  một  chén  nước  trong,  miệng  lẩm  nhẩm  đọc  câu  thần  chú:  “Con  trai,  con  gái  hãy  sớm  rời  bụng  mẹ,  kíp  kíp  theo  sắc  lệnh!”.  Cứ  thế  cho  đến  khi  chén  nước  đã  biến  thành  “nước  thiêng”.  Sau  khi  người  phụ  nữ  này  uống  thứ  nước  đó,  sẽ  cảm  thấy  trong  người  dễ  chịu  và  sinh  con  dễ  dàng  (!)(4).  “Nước”  thật  màu  nhiệm!  Nó  giúp  người  sinh  con  đẻ  cái.

Trong  sách  Lỗ  Ban  thư  của  người  Choang  có  chép  về  “bùa  hộ  sinh”  với  thần  chú  rằng:  “Một  hóa  nước  chín  rồng,  hai  hóa  nước  hộ  sinh  Vương  Mẫu,  ba  hóa  nước  trong  bình  Quan  Âm,  bốn  hóa  nước  Hoa  Đà  Tây  Thiên”.  Cách  làm  là  tay  cầm  chén  nước  hộ  sinh,  miệng  đọc  thần  chú  hộ  sinh,  sau  đó  cho  người  phụ  nữ  khó  đẻ  nhai  lá  bùa  hộ  sinh  rồi  dùng  chén  nước  hộ  sinh  uống(5).  “Nước”  ở  đây  cũng  được  xem  là  có  phép  màu  giúp  người  sinh  nở.

“Nước”  còn  gắn  với  người  Choang  trong  phong  tục  cưới.

Upload

Tục rửa chân cho cô dâu trong đám cưới của người Thái ở Nghệ An

  1. “Nước” trong  phong  tục  cưới 

3.1.  Lấy  “nước  xuân  tình”

Ở  vùng  nông  thôn  phái  tây  bắc  khu  tự  trị  dân  tộc  Choang,  Quảng  Tây  (Trung  Quốc),  thanh  niên  trai  gái  chưa  kết  hôn  đều  có  tục  ra  khỏi  nhà  để  đón  xuân  ngay  từ  ngày  mồng  một  đầu  năm.  Hôm  đó,  con  trai  phải  tìm  mọi  cách  để  làm  cho  người  ta  mắng  chửi  mình;  còn  con  gái  thì  tranh  nhau  ra  sông  gánh  “nước  xuân  tình”,  nhặt  đá  cuội  bên  sông,  đồng  thời  xem  ai  gánh  được  nước  về  nhà  trước  tiên  thì  đó  sẽ  là  người  may  mắn  nhất,  vì  năm  đó  cô  ta  có  thể  tìm  được  người  bạn  tình  vừa  ý  nhất.  Ở  vùng  này,  vào  ngày  mồng  một  năm  mới  cũng  được  gọi  là  “Tết  xuân  tình”.  Tục  lấy  “nước  xuân  tình”  đầu  năm  mang  ý  nghĩa  phồn  thực(6).

3.2.  Lấy  nước  sau  lễ  cưới

Vẫn  là  ở  người  Choang,  sau  lễ  cưới  ba  ngày  thì  cô  dâu  phải  “đi  gánh  nước  về  cho  nhà  chồng”.  Thứ  nước  này  không  đồng  đẳng  với  nước  trong  sinh  hoạt  thường  ngày.  Nước  này  mang  nội  hàm  văn  hóa  đặc  thù  về  phồn  thực(7).

3.3.  Tái  giá  phải  mang  theo  ống  nước

Người  Choang  ở  huyện  Liễu  Giang,  đàn  bà  góa  khi  tái  giá  có  tục  phải  mang  theo  một  ống  nước.  Tục  này  hẳn  cũng  không  ngoài  ý  nghĩa  cầu  phồn  thực(8).

3.4.  Tục  “dầm  sương”

Người  Choang  ở  vùng  Bách  Trượng,  huyện  Tượng  Chân  thuộc  Khu  tự  trị  dân  tộc  Choang,  Quảng  Tây,  lại  thịnh  hành  một  tập  tục  hôn  lễ  cổ  xưa  đó  alf  tục  “dầm  sương”.  Khi  người  phụ  nữ  đã  ly  hôn  hoặc  góa  bụa  mà  tái  giá  thì  trước  ngày  về  nhà  chồng  phải  ra  ngoài  thôn  nằm  phơi  sương  một  đêm,  để  cho  sương  thấm  đẫm  người.  Có  thể  hiểu  nghi  thức  “dầm  sương”  này  là  nhằm  tẩy  rửa  những  “xui  xẻo”  trên  thân  thể  người  phụ  nữ  tái  giá,  để  tránh  mang  theo  những  điều  chẳng  lành  về  nhà  chồng;  nhưng  đúng  hơn,  nghi  thức  “dầm  sương”  chẳng  qua  cũng  vẫn  là  ý  nguyện  cầu  phồn  thực,  mượn  năng  lực  phồn  thực  của  nước  để  giúp  tăng  trưởng  năng  lực  sinh  dục  của  chính  người  đàn  bà  tái  giá.  Cũng  qua  tục  “dầm  sương”  này  của  người  Choang  mà  người  ta  có  thể  nhận  ra  nguồn  gốc  của  chữ  “sương”  (người  đàn  bà  góa)  trong  tiếng  Hán.  Trong  tiếng  Hán,  chữ  “sương”  (người  đàn  bà  góa)  gồm  chữ  “sương”  (sương  móc),  với  chữ  “nữ”  (đàn  bà).  Vậy,  phải  chăng  có  mối  liên  hệ  qua  lại  giữa  “sương”  (bà  góa)  với  “sương”  (sương  móc)  và  “nước  –  phồn  thực”  như  một  vòng  tuần  hoàn?(9)

3.5.  Cúng  thần  nước

Ngay  ngày  đầu  tiên  sau  khi  bước  vào  cửa  nhà  chồng,  (cô  dâu  người  Choang)  phải  làm  ngay  cái  việc  đầu  tiên  là  “cúng  lễ  thần  nước”.  Thứ  nước  do  cô  dâu  gánh  về  lại  do  bà  mẹ  chồng  đem  chia  cho  người  thân,  đó  chính  là  thứ  “nước  thiêng”  tượng  trưng  cho  sự  sung  mãn  năng  lực  phồn  thực  –  thứ  nước  đó  chẳng  những  giúp  cô  dâu  thực  hiện  được  nguyện  vọng  sinh  dục,  mà  còn  đem  lại  điều  may  mắn  cho  mọi  người(10).  Như  vậy,  ta  được  biết  là  cô  dâu  phải  làm  lễ  “cúng  thần  nước”  tại  nhà,  một  nghi  lễ  hết  sức  quan  trọng  trong  đám  cưới  của  người  Choang.  Không  những  thế,  cô  dâu  người  Choang  ở  Khâm  Châu  còn  phải  “cúng  thần  nước”  tại  suối:  “cô  dâu  trong  ngày  đầu  tiên  sau  khi  về  nhà  chồng  phải  theo  một  người  đàn  bà  lớn  tuổi  bên  nhà  chồng  dẫn  tới  nơi  nguồn  nước  mà  họ  hàng  nhà  chồng  vẫn  dùng;  ở  đây  cô  dâu  phải  thắp  hương  cầu  khấn  thần  nước,  đồng  thời  vứt  những  đồng  tiền  và  vãi  gạo  xuống  nước.  Sau  đó  người  đàn  bà  dẫn  đường  lấy  tay  vục  nước  rồi  xoa  nhẹ  lên  đầu,  lên  trán  cô  dâu.  Cuối  cùng,  cô  dâu  lại  phải  một  lần  nữa  cúi  đầu  lạy  tạ  nguồn  nước.  Điều  đáng  chú  ý  ở  đây  là,  người  đàn  bà  dẫn  đường,  ngoài  yêu  cầu  lớn  tuổi  còn  phải  là  người  đẻ  nhiều  con,  có  nghĩa  là  bản  thân  người  ấy  cũng  là  biểu  tượng  của  năng  lực  sinh  dục  mạnh.  Căn  cứ  vào  nguyên  lý  của  ma  thuật  tiếp  xúc,  chúng  ta  nhận  thấy  những  nghi  thức  hôn  lễ  vừa  kể  như  việc  cầu  khấn  nước,  xoa  nước  vào  trán  cô  dâu,  rõ  ràng  đều  quan  hệ  tới  tập  tục  sùng  bái  phồn  thực  của  người  Choang  đối  với  nước(11).  Chúng  tôi  lưu  ý  đến  chi  tiết  cô  dâu  cầu  khấn  và  “vứt  đồng  tiền”  xuống  nước  trong  lễ  “cúng  thần  nước”  ở  đây,  rõ  ràng  là  xin  thần  nước  ban  khả  năng  sinh  dục,  phồn  thực,  con  cái,  để  nối  dõi  nhà  chồng,  tránh  phạm  vào  điều  “bất  hiếu”  theo  quan  niệm  của  nhà  Nho:  “Bất  hiếu  hữu  tam,  vô  hậu  vi  đại”  (Tội  bất  hiếu  có  ba  điều,  trong  đó  không  có  con  nối  dõi  là  điều  lớn  nhất),  giữ  được  hạnh  phúc  cho  mình,  cho  gia  đình;  và  đó  cũng  là  lời  đáp  cho  câu  hỏi  trong  nghi  lễ  “rửa  chân  cô  dâu”  trong  đám  cưới  của  người  Thái,  vì  sao  người  ta  lại  bỏ  đồng  bạc  vào  trong  sanh/thau  nước!

  1. Kết luận

Trở  lên,  sở  dĩ  chúng  tôi  dẫn  thần  thoại  –  truyền  thuyết,  phong  tục  cưới  của  người  Choang  để  giải  thích  một  nghi  lễ  trong  đám  cưới  của  người  Thái:  “rửa  chân  cô  dâu”,  và  “trong  cái  sanh/thau  nước  có  đồng  bạc”  –  là  vì  xa  xưa  trong  thời  cổ  đại,  người  Choang  và  người  Thái  là  cùng  một  nguồn  gốc.  Đặng  Nghiêm  Vạn  trong  Dân  tộc  Văn  hóa  Tôn  giáo,  viết:  “Hiện  nay  các  nhóm  dân  tộc  thuộc  ngôn  ngữ  Tày  –  Thái  (hay  Cháng  (Choang)  –  Đồng  hay  Thái)  thuộc  ngữ  hệ  Nam  Á  (nay  xác  định  là  Thái  –  Kadai),  có  khoảng  40  triệu  người  cư  trú  ở  nhiều  nước  thuộc  chế  độ  chính  trị  và  văn  hóa  khác  nhau  như  Cộng  hòa  nhân  dân  Trung  Hoa,  nước  Việt  Nam  dân  chủ  cộng  hòa  (nay  là  Cộng  hòa  xã  hội  chủ  nghĩa  Việt  Nam),  nước  Lào,  nước  Thái  Lan,  Liên  bang  Myanma  và  vùng  Assam  miền  Đông  Ấn  Độ.  Xưa,  các  nhóm  này  có  chung  nguồn  gốc  (chúng  tôi  nhấn  mạnh-  QVM),  cư  trú  ở  một  khu  vực  thống  nhất,  sau  trong  quá  trình  lịch  sử  dần  phân  hóa”(12). 

Như  vậy,  tục  “rửa  chân  cô  dâu”  trong  đám  cưới  của  người  Thái;  và  “trong  sanh/thau  nước  có  đồng  bạc”,  ngoài  những  ý  nghĩa  chúng  tôi  đã  viết  trước  đây  (trong  các  sách  Phong  tục  tập  quán  các  dân  tộc  thiểu  số  Nghệ  An  và  Đám  cưới  truyền  thống  của  người  Thái  –  Nghệ  An,  đã  dẫn  ở  trên),  “nước”  còn  mang  ý  nghĩa  truyền  sức  mạnh  “phồn  thực”  cho  cô  dâu;  và  “đồng  bạc”  là  để  “xin  thần  nước  (khả  năng  phồn  thực)  phù  hộ”.

  • Tháng Bảy 17, 2020