Có phải Chuyện Đông chuyện Tây(Kiến thức ngày nay, số 122)đã quá đề cao Napoléon?

Napoleon bị "ma ám" khi qua đêm trong kim tự tháp Ai Cập?
Share

Kiến thức ngày nay, số 122, Chuyện Đông chuyện Tây, có nói về vai trò của Napoléon đối với khoa Ai Cập học qua lời đánh giá của Anne Terry White. Có vẻ như là tác giả này, và tiếp theo là cả An Chi nữa, đã quá đề cao Napoléon. Tôi không dám tin đến như thế.

Napoleon bị "ma ám" khi qua đêm trong kim tự tháp Ai Cập?

Không chỉ Anne Terry White trong Les grandes découvertes de l archéologie mới nói như thế về vai trò của Napoléon đối với khoa Ai Cập học. Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử của khoa Ai Cập học đều khẳng định như thế.

Xin chép – dịch thì đúng hơn – hiến ông lời của Serge Sauneron, tổng thư ký của Pháp quốc Đông phương khảo cổ học viện tại Cairo (Institut français d’ Archéologie Orientale du Caire) như sau:

“Nhiều quyển sách đã được dành cho cuộc viễn chinh của Bonaparte (tức Napoléon – AC) ở Ai Cập và ít có giai đoạn nào của sự nghiệp anh hùng vừa phi thường vừa vĩ đại này lại không được hàng loạt sử gia và nhà phê bình miêu tả và phân tích (…)

Người ta đã biết khá đầy đủ về đoàn bác học mà Bonaparte đã kéo đi theo ông dọc đôi bờ sông Nil, nên có thể đánh giá được lòng can đảm tuyệt vời cùng với hoạt động của họ. Chắc hẳn là Viện (đã nói trên – AC) họp các phiên của nó tại Cairo, nhưng các nhà bác học thì lại đi tìm kiếm tư liệu nghiên cứu của họ ở châu thổ (sông Nil – AC), ở thượng Ai Cập, trong các hoang mạc, theo gót các hàng quân, chia sẻ đời sống bình nhật với những người lính, tận dụng những lúc quân đội dừng chân và dựng trại ngoài trời giữa hai cuộc chạm súng để đi khảo sát các bãi sa mạc và các dãy núi, vẽ những công trình cổ xưa, đo đạc chúng, miêu tả chúng.

Khi quân đội lại lên đường, người ta phái một sĩ quan liên lạc đi “thu gom” các nhà bác học tản mát ở trong vùng, mặc cho công việc của họ đã xong hay chưa. Dáng sầu muộn, họ khép cặp giấy của mình lại và chạy theo đoàn quân cho đến lần dừng chân tiếp theo (…).

“Trong một thời gian hạn chế (tháng bảy 1798 – tháng chín 1802), nước Ai Cập đã được nghiên cứu về mọi phương diện: hệ động vật, hệ thực vật, địa chất, tính chất sông ngòi, giếng mỏ, địa lý của nó. Một tấm bản đồ từ vùng Assouan cho đến Địa Trung Hải đã được lập, và sau được chuyển thành một tập bản đồ gồm năm mươi mốt tờ. Cư dân đã được miêu tả, nghiên cứu cùng với y phục, các kiểu dáng ngoại hình, âm nhạc, các nghề, lối sống, các tập quán, các đơn vị đo lường, tiền tệ của họ (…).

“Cuối cùng, chính xứ sở Ai Cập đã được miêu tả, từ Nam đến Bắc, và các công trình có thể thấy được vào thời đó, dù chúng thuộc về các vị Pharaon, có đặc điểm Ki Tô giáo, Ả Rập hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, đều được nêu lên, vẽ lại và đo đạc.

“Khi vận rủi bắt buộc đạo quân viễn chinh lại trở xuống thuyền hồi tháng chín 1802 thì các nhà bác học chỉ sau một cuộc tranh chấp ác liệt (với người Anh – AC) mới bảo vệ được các tư liệu mà họ đã thu thập được. Thế là họ đã đem về theo họ bộ sách bách khoa thuộc loại đặc biệt nhất, không tiền khoáng hậu, về xứ sở Ai Cập.

Sự khen ngợi tốt đẹp nhất mà người ta có thể dành cho sự nghiệp của họ là ở chỗ ghi nhận rằng ít có công trình nào liên quan đến Ai Cập cổ đại hoặc trung đại mà lại không phải dựa vào cái nguồn tư liệu vô tận đó, ở lúc này hoặc lúc khác. Là tác phẩm có hệ thống đầu tiên dành cho Ai Cập, bộ sách Description de l Egypte (Miêu tả Ai Cập) vẫn là một trong những bộ sách làm nền tảng cho khoa Ai Cập học”).

Description de l Egypte là một bộ sách gồm 24 quyển văn bản và 12 quyển tranh phụ bản mà tác giả là Vivant Denon, một trong những học giả đã đi theo đạo quân viễn chinh của Napoléon sang Ai Cập.

Lòng dũng cảm và đức hy sinh cho khoa học của các nhà bác học ở đây là điều hiển nhiên. Nhưng nếu không có con người biết yêu thích học thuật và có tài tổ chức như Napoléon thì chắc chắn là họ đã không bao giờ có được cơ hội để hoàn thành kỳ công mà họ đã đạt được hồi cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, để trao tặng cho toàn thể nhân loại hôm nay.

  • Tháng Năm 27, 2023