Thượng/ Thướng và Hạ/ Há
Thơ Đường hay có những câu như:
“Cố nhân Tây từ Hoàng hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu…”
hay
“Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu”.
Các chữ “hạ” và “thướng” có phải là “hạ” và “thượng” không? Nếu đúng vậy, sao không viết và đọc theo kiểu sau cho dễ hiểu?
Trước đây, chúng tôi đã có dịp viết rằng “Trong tiếng Hán, một số chữ có thể có những cách đọc khác nhau mà nghĩa không thay đổi. Nhưng thường thường, hễ âm của một chữ thay đổi, thì nghĩa của nó cũng thay đổi” (1) Nói một cách khác, tuỳ theo ngôn cảnh mà nghĩa của một chữ Hán phải ứng với một âm nhất định nếu nó là một chữ có nhiều âm mà những âm này lại không hoán chuyển với nhau được để cùng diễn đạt một (hoặc những) nghĩa nhất định. Đây cũng chính là trường hợp của mấy chữ mà bạn hỏi. Chữ 上 và chữ 下, nếu dùng để chỉ vị trí trong không gian (“trên”, “dưới”) thì đọc là thượng (chữ trước) và hạ (chữ sau) còn nếu dùng để chỉ động tác theo các hướng tương ứng (“lên”, “xuống”) thì lại đọc là thướng (chữ trước) và há (chữ sau). Ít ra, theo thư tịch thì cũng là như thế còn trong ngôn ngữ bình thường người ta vẫn nói hạ mã (xuống ngựa) mà không nói “há mã”, cũng như vẫn nói thượng lộ (lên đường) mà không nói thướng lộ. Nhưng ngôn ngữ của những bài thơ chữ Hán, trong đó có những câu bạn đã nêu, thì lại không phải là ngôn ngữ bình thường mà là tiếng Hán văn ngôn, một ngôn ngữ bác học có những chuẩn mực chặt chẽ, nên việc phiên âm mấy chữ đang xét phải tuân thủ những quy định rành mạch của thư tịch cho phù hợp với phong cách bác học. Chính là theo tinh thần này mà khi phân tích chữ và nghĩa trong câu “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu, Trần Phò mới viết: “Há chính là chữ hạ. Ở đây nó là động từ, nên mới đọc há”. (2)
- Kiến thức ngày nay, số 176, Chuyện Đông chuyện Tây, tr. 48.
- “Thử tìm hiểu một bài thơ trong chương trình văn học lớp 10”, Kiến thức ngày nay, số 61, tr. 12.