Vì sao gọi người giao tiếp với thế giới thần, quỷ là “lên đồng”
Trong tín ngưỡng dân gian, có một nghi thức giao tiếp với thế giới trời, thần, quỷ, vật gọi là “lên đồng”. Người lên đồng sẽ ăn mặc thật sặc sỡ, biểu diễn những vũ đạo kì lạ để mời gọi thần linh hoặc hồn người chết nhập vào xác mình. Sau khi đã được “nhập xác”, người này có thể cư xử, nói năng và hành động y như thần linh hoặc người đã khuất, đồng thời trả lời những người xung quanh (gọi là hầu đồng) có quyền hỏi bất cứ điều gì. Ngoại trừ một số ngoại lệ chưa rõ nguyên nhân thì đa phần lên đồng là một hình thức mê tín dị đoan, chỉ nên dừng lại là một nét văn hoá.
Điều đáng chú ý là tại sao nghi thức này được gọi là “lên đồng”? Phải chăng vì những người hành lễ nhảy múa như đang…ở trên đồng lúa?
Thực tế, “đồng” ở đây có Hán tự là 童, nghĩa là trẻ em. Đây cũng là “đồng” trong “nhi đồng”, “mục đồng”, “thần đồng”, “đồng nam”, “đồng nữ”… Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: “Lên đồng: Thần quỷ nhập vào người nào, bắt phải nóng nảy, nói thấm như đứa điên; lời người ấy nói ra nhiều người tin là lời quỷ thần”. Như vậy có thể thấy do các cử chỉ điên dại như đứa trẻ chưa biết gì nên ta gọi nghi thức này là “lên đồng”.
Thư viện Hoa Sen có lời giải thích cặn kẽ hơn về tên gọi ông Đồng, bà Cốt chỉ những người hành lễ: “Đồng có nghĩa đen là trẻ con, tâm hồn trong trắng chưa bị vẩn đục. Cốt nghĩa đen là xương, người cho thần linh mượn xác. Đồng Cốt có nghĩa là những người ngồi đồng, được xem như “hạp căn”, có tâm hồn trong trắng như trẻ nhỏ, là trung gian để thần linh mượn xác về ngự và phán truyền. Đồng Bóng có nghĩa là bóng (thần linh) mượn hình đồng để tiếp xúc, khuyên dạy người ở trần gian”.
Như vậy, chữ “đồng” trong “lên đồng” đã rõ. Ngoài ra, tiếng Việt còn có hàng loạt những “đồng” khác, vô cùng phong phú như “đồng lúa”, “đồng sắt”, “đồng tiền”, “thi đồng”, “đồng lòng”,…
(Tham khảo từ nhiều nguồn)