Ngồi vắt tréo chân hay ngồi vắt chéo chân?
Nhiều người cho rằng “chéo” mới là cách viết đúng, còn “tréo” là sai chính tả. Thực tế, “chéo” và “tréo” là hai từ tồn tại song song với nghĩa hoàn toàn khác nhau. Điều này có thể thấy rõ trong những từ điển có uy tín.
Trước hết là Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản vào cuối thế kỉ 19. Tư liệu này giảng rằng:
- Tréo: Gối gác lên nhau,…lộn qua lộn lại. Tréo tay: gác tay này qua tay kia.
- Chéo: Góc, chỗ đâm ra, chỗ gio ra. Bìa chéo. Chéo áo.”.
Như vậy ban đầu “chéo” chỉ dùng để chỉ một góc đâm ra ngoài, còn “tréo” lại được dùng với nghĩa “chéo” của ngày nay. Thực vậy, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng chỉ ghi nhận: Chéo: Góc một mặt phẳng, chéo áo, chéo khăn. “Khăn vuông bốn chéo cột chùm. Miệng mời người nghĩa hò giùm ít câu”.
Sang đến đầu thế kỷ 20, quyển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa:
- Tréo: gác lệch cái nọ lên cái kia. Ngồi vắt tréo chân, rào tréo cây nứa.
- Chéo:
- Hình xiên lệch: miếng ruộng chéo.
- Góc: chéo khăn.
Tới đây, nghĩa của “tréo” được nêu ra rõ ràng hơn, còn “chéo” có lẽ do sự nhầm lẫn qua lại với “tréo” nên đã nhận thêm nghĩa “xiên lệch”.
Tới Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bản năm 2003, ta thấy “chéo” đã “lột xác” và có định nghĩa rất chi tiết như sau:
- Chéo:
- Thành hình một đường xiên.
- Hàng dệt trên mặt có những đường xiên từ bên nọ sang bên kia.
- Phần hoặc mảnh nhỏ giới hạn bởi hai cạnh của một góc và đường chéo.
Tới đây, nghĩa góc đã trở thành phụ (chỉ xếp thứ ba), còn nghĩa “xiên lệch” thì áp đảo hoàn toàn. Còn “tréo” thì lui về ở một phạm vi nhất định, dùng cho tay và chân:
- Tréo: (Chân, tay): ở tư thế cái nọ gác, vắt lên cái kia, thành những đường xiên cắt nhau. Hai tay bắt tréo trước ngực. Nằm vắt tréo chân”.
Một trong những chứng tích còn lại của “tréo” là từ “tréo ngoe” mà nghĩa đen đã được nêu trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị là: “gác tréo chữ thập, tréo qua tréo lại”. Sang từ điển của Hoàng Phê, nghĩa này mất dần, thay vào đó là nghĩa bóng “rất ngược đời”. Về chữ “ngoe” thì vẫn chưa có đủ tư liệu, nhưng theo từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì “ngoe” là “cái cẳng của con cua”.
Nếu vậy rất có thể “tréo ngoe” chính là để mô tả những cẳng cua không thẳng mà gập chéo lại.
Tóm lại, “tréo” mới là từ ban đầu dùng để chỉ sự chồng lệch lên nhau, nhưng do thời gian và những nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa mà từ này dần được thay thế thành “chéo”, có thể thấy rõ nhất là “vắt tréo chân” thành “vắt chéo chân”.