Có một mối tình Xuân Hương – Chiêu Hổ trong thực tế hay không? Hay chỉ có văn thơ cợt nhả với nhau mà thôi?

Hoài Nguyễn - Hồ Xuân Hương và những chuyện tình duyên lận ...
Share

Quả là người đời có truyền tụng về một mối tình Xuân Hương – Chiêu Hổ. Chả thế mà Phong Châu lại chép: “Ông Chiêu Hổ đi làm quan lâu ngày, Xuân Hương nhớ chỗ nhân tình cũ, mới viết giấy hỏi thăm..”(Câu đối Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 25 ). Nhưng đó chỉ là giai thoại mà thôi.

Hoài Nguyễn - Hồ Xuân Hương và những chuyện tình duyên lận ...

Trong thực tế thì mối tình không có đã đành mà chuyện văn thơ cợt nhả cũng không có nốt. Điều khẳng định nghiêm túc này là căn cứ vào lời kể của Siêu Văn, một người thuộc dòng họ Nguyễn Đình, là dòng họ mà có đời và có người đã từng kết thâm giao với cả Hồ Xuân Hương lẫn Phạm Đình Hổ: “Hồ Xuân Hương hơn Phạm Đình Hổ ngót hai chục tuổi, nên không thể có sự luyến ái, hoạ thơ giữa hai người đó được. Và trong đám cưới của cháu nội bà Đốc trấn là Nguyễn Đình Vũ lấy con gái Phạm Đình Hổ là cô Phạm Thị Huy, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người quen biết cả hai họ nên đã đứng lên làm chủ hôn, theo tục lệ thời đó” ( Về mối quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Phạm Đình Hổ, Tạp chí Văn học, số 5, 3,1991, tr. 71). Và ở một đoạn khác: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương lúc đó đã ngoài bảy mươi tuổi, được mời làm chủ hôn, trải giường chiếu cho cô dâu lấy khước”.

Làm sao có thể quan niệm được rằng người tình cũ của Phạm Đình Hổ, hơn ông ngót 20 tuổi, giờ đây tuổi đã ngoài bảy mươi, lại được mời trải giường chiếu cho con gái ông được khước? Làm sao có thể quan niệm được rằng một bà lão đã có thời “chành ra ba góc da còn thiếu” mà lại được mời trải chiếu cho con gái tơ của người khác được khước khi về nhà chồng? Cho nên những câu thơ tục tĩu xưa nay vẫn truyền tụng là của bà chắc chắn không phải do bà là tác giả. Siêu Văn cũng nói rõ: “Theo cụ Nguyễn Gia Thái (1858 – 1935) người được đọc Xuân Hương thi tập do chính tay nữ sĩ chép tặng gia đình ta, thì không có những bài thơ tục tĩu mà ngày nay người ta gán ghép cho nữ sĩ”.

Đến như ông Chiêu Hổ, người mà theo truyền tụng là đã có nhiều câu đối Nôm, lắt léo, tài ba, thì chính ông lại tỏ ra xem thường chữ Nôm và tự nhận là mình kém cỏi về thứ chữ này. Sau đây là lời tự thuật của ông: “Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa, thì ta bịt tai lại không muốn nghe.

Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết”. Trong khi đó thì: “Ta khi mới lên chín tuổi, đã học sách Hán thư, (…). Các sách cổ, thơ cổ ta thường xem lắm, không lúc nào rời tay” ( Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, tr. 10). Khi đã cao niên, nhắc lại chuyện thuở ấu thời, Phạm Đình Hổ vẫn còn sẵn sàng gộp “những sách truyện Nôm” vào chung với “những trò thanh sắc” và “nghề cờ bạc”. Một người cả đời vẫn coi thường văn Nôm chữ Nôm đến như thế làm sao có thể là tác giả của những “văn bản” Nôm đã được truyền tụng?

  • Tháng Năm 19, 2023