Nguồn gốc của câu “Mặt người dạ thú”
Có xuất xứ từ câu “Nhân diện thú tâm”
Trong cuộc sống, câu thành ngữ này thường được dùng để chỉ loại người có phẩm chất đạo đức kém, những người trong lòng chứa đầy những âm mưu nham hiểm, ác độc như loài dã thú.
Vậy, nguồn gốc câu thành ngữ này từ đâu mà có? Xưa kia, có một thương gia thường hay đi lại mấy nước vùng Nam Hải để buôn bán những thứ như đá quý, mai rùa…v…v…Có một lần, con thuyền buôn đang lênh đênh trên biển thì gặp phải gió lớn và con thuyền bị lật. Quá sợ hãi, anh ta cứ nhắm mắt lại rồi ôm chặt lấy cột buồm, mặc cho con thuyền bị lật trôi dạt tới đâu thì tới.
Cuối cùng con thuyền cũng trôi dạt đến một bờ biển của một hòn đảo nọ. Khi đã lên được bờ, anh ta tìm đến một hang núi để trú thân. Bỗng có một con tinh tinh đi vào hang, thấy dáng vẻ anh ta đói khát và tiều tụy, nó cảm thấy rất đáng thương, liền đi tìm thức ăn như hạt đậu, củ cải về cho anh ta ăn, còn nhường nệm trải từ lông chim cho anh ta nằm ngủ. Tinh tinh còn ngồi bên cạnh anh ta và kêu thành tiếng dường như muốn an ủi anh ta.
Cứ như vậy nó đã phục vụ anh ta hơn một năm. Một hôm, trong lúc đi kiếm ăn, con tinh tinh trông thấy có một chiếc thuyền lớn cập vào ven đảo để tìm nước ngọt, con tinh tinh mừng rỡ đỡ anh ta đi ra phía con tàu.
Rất may là những người trên con thuyền đó lại là những bạn đã từng buôn bán với anh ta. Sau khi đã lên được trên tàu, anh ta kể với mọi người lý do về sự có mặt của mình trên đảo và cuối cùng nói với các bạn rằng: “Máu của loài tinh tinh có thể dùng để nhuộm vải, hàng trăm năm cũng không phai, tại sao không bắt con tinh tinh đó?” Các bạn anh ta vừa nghe xong bèn nổi giận và nói với anh ta: – “Tinh tinh tuy là loài thú vật nhưng lại có cái tâm của một con người, còn anh tuy là con người nhưng lại có cái lòng của loài thú vật”.
Và bọn họ bèn xúm lại rồi đẩy anh ta xuống biển, thật đáng đời. Mọi người loan truyền câu chuyện này đi rất xa, rất xa, từ đó hình thành câu thành ngữ “Mặt người dạ thú”.
Ngày nay, người Trung Quốc và người Việt Nam thường dùng câu thành ngữ này để nói đến những kẻ ác độc, những kẻ vong ân phụ nghĩa lại những người đã cưu mang mình, đã cứu giúp mình.