Chữ 月 trong chữ hồ 胡 có phải là nguyệt ?

BULUKHIN: CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG HAY CỔ NHỤC ĐƯỜNG ??
Share

Nhiều học giả trước đây vẫn phân tích chữ hồ 胡 gồm có cổ , nguyệt nghe rất hay. Nay có người lại cho rằng nó gồm có cổ 古 và nhục 肉, nghe đã lạ mà lại không thanh nhã. Xin cho biết cách phân tích nào đúng?

BULUKHIN: CỔ NGUYỆT ĐƯỜNG HAY CỔ NHỤC ĐƯỜNG ??

Chữ hồ 胡 là một hình thanh tự mà thanh phù là chữ cổ 古 còn nghĩa phù là chữ nhục 肉 đã được viết thành月 trong 248/253 chữ thuộc bộ nhục mà Từ hải đã ghi nhận. Tỉ lệ nầy trong Khang Hy tự điển là 654/680 vì bộ tự điển này đã thu thập rất nhiều chữ kể cả các kỳ tự (chữ hiếm thấy). Chữ thứ hai, thuộc bộ nhục 肉 mà Khang Hy tự điển đã ghi nhận là chữ 月. Chữ nầy được giảng như sau:

“Theo Chính tự thông, chữ nhục 肉 khi đứng làm biên bàng vốn viết là 肉 thạch kinh (sách kinh điển khắc trên đá) sửa làm 月. Hai nét dính liền từ trái sang phải, khác thường viết 月để phân biệt” (Chính tự thông: Nhục tự biên bàng chi văn bổn tác 肉. Thạch kinh cải tác 月. Trung nhị hoạch liên tả hữu, dữ nhật nguyệt chi i nguyệt 月 dị. Kim tục tác 月dĩ biệt chi).

Nói thế nhưng chính Khang Hy tự điển cũng viết chữ nhục biên bàng thành 月 trong 654 chữ đã nói, y hệt như chữ nguyệt biên bàng 月, hoàn toàn không phân biệt tự hình. Từ nguyên, Từ hải, đều làm như thế. Đây là hiện tượng đồng hình dị tự (cùng hình khác chữ).

Trên tạp chí Văn nghệ, số 10-1962, Nguyễn Đức Bánh có bài “Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương”. Trên Kiến thức ngày nay, số 54 (Xuân Tân Mùi) cũng có bài “Vườn hoa nàng Cổ Nguyệt” trong đó tác giả nói đến toà Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương. Nếu đây chỉ là chuyện chơi chữ thì đó là quyền của các tác giả. Nhưng nếu cả quyết rằng về mặt cấu tạo văn tự, chữ hồ 胡 gồm có chữ cổ 古 và chữ nguyệt 月 thì lại là hoàn toàn sai. Không có bất cứ một tự thư quen thuộc nào của Trung Hoa lại cho rằng ở trong 胡 thì 月 lại là chữ nguyệt. Tất cả đều phân tích và khẳng định rằng đó là chữ nhục.

  • Tháng Năm 18, 2023